|
(QNO) - Sáng 5.6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà tiếp tục phiên chất vấn, giải đáp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về trách nhiệm, giải pháp lĩnh vực ngành TN-MT quản lý.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng). Ảnh: KỲ DUYÊN |
Một trong những vấn đề được chất vấn nổi bật là các dự án du lịch bít lối xuống biển của dân, tình trạng nhập chất thải làm nguyên liệu nguy hại cho ngành chế biến sản xuất thép, công tác giám sát sau sự cố môi trường Formosa, hiệu quả thực tế của hai nhà máy alumin tại Tây nguyên...
Bờ biển là của chung, sao doanh nghiệp lại bao chiếm?
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) hỏi rằng thực tế hiện nay các bờ biển các tỉnh đã bị các doanh nghiệp làm rào chắn. Điều bất cập nhất ở đây là các dự án này đã được mua đứt, được cấp bìa đỏ. Vậy thì hướng giải quyết sắp tới, mà nhìn ra xa là câu chuyện đặc khu nếu có những việc như vậy thì Bộ TN-MT sẽ giải quyết thế nào?
Câu chuyện bít lối xuống biển của dân cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu một lần nữa trước Quốc hội. Đại biểu Nghĩa yêu cầu bộ trưởng phải nói phần trách nhiệm cũng như xử lý của Bộ TN-MT. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rằng chúng ta đã có các luật về đất đai, bờ biển... Trong các quy định đó nói rõ về hành lang bờ biển. “Tôi cho rằng cái gì đã luật hoá rồi thì chúng ta không cần đề cập nữa. Việc cần làm bây giờ dựa trên luật mà siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Tất nhiên là với các dự án nào có vấn đề thì phải xem lại quy hoạch, xem trước đây nếu có sai chỗ nào thì điều chỉnh cho đúng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về lo ngại trong việc người nước ngoài sẽ lấy đất tại đặc khu rồi bao chiếm như ở dọc bờ biển miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng luật hiện nay không có quyền mua đất trên đất nước ta, mà chỉ được quyền mua căn hộ. “Tôi nhờ các đại biểu cung cấp thông tin cho tôi biết là nếu có tình trạng đó thì mua ở đâu?” – Bộ trưởng Hà nói.
Một đại biểu đặt câu hỏi với bộ trưởng Trần Hồng Hà rằng bộ có cam đoan rằng các sự cố môi trường Formosa sẽ không tái diễn như đã từng gây thảm hoạ không? Bộ trưởng khẳng định “các đại biểu có thể yên tâm” vì sau sự cố Formosa chúng ta đã siết chặt lại các quy định về xả thải, quy định rõ và giám sát rất kỹ. “Chúng ta đã cho hoạt động thì đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó đã yêu cầu bổ sung công nghệ xử lý môi trường, có 3 nấc để đề phòng sự cố, nước ở hồ sinh học có thể tái sử dụng đạt loại A. Với cách làm bài bản từ khâu xem xét, đánh giá công nghệ cho đến khâu giám sát kiểm tra, yêu cầu chặt chẽ thì không ngành nghề nào có thể để xảy ra ô nhiễm được. Riêng với Formosa thì tôi báo cáo để đại biểu yên tâm" - bộ trưởng TN-MT khẳng định.
Có nên di dời nhà máy thép Việt – Pháp tại Quảng Nam?
Hội trường Quốc hội sáng 5.6 đã dành nhiều thời gian liên quan đến quy trình nhập chất thải làm nguyên liệu cho các nhà máy thép trong nước, trong khi đó các nhà máy thép tại Quảng Nam, Đà Nẵng lại đang gây bức xúc cho dân, chính quyền đau đầu để giải quyết, các nhà máy này trong tình trạng “đi không đặng, ở cũng không xong”.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam). Ảnh: KỲ DUYÊN |
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đề cập việc bộ trưởng Hà có cần hạn chế và thậm chí là nói không với việc nhập chất xả thải làm nguyên liệu cho các nhà máy trong nước, nếu không kiên quyết thì sẽ biến VN thành bãi rác thải độc hại. Đại biểu Dũng đề nghị bộ trưởng nói lại quan điểm đó và sẽ thực hiện cụ thể ra sao thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc nói không với nhập phế liệu, trong đó có nguyên liệu độc hại như phục vụ sản xuất thép, túi ni lon, nhựa... thì Bộ TN-MT đồng tình là cần hết sức hạn chế. Riêng nhóm nguyên liệu sản xuất thép thì hiện chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được đầu vào. “Về việc nhà máy thép gây ô nhiễm, nằm ngay đầu nguồn và gần khu vực dân cư như Nhà máy Thép Việt – Pháp hay nhà máy ở Đà Nẵng mà đại biểu là gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta cần xem xét lại việc bố trí vị trí các nhà máy đó, những nơi nào nằm gần dân cư thì phải có giải pháp để hạn chế gây ảnh hưởng cho dân. Về lâu dài chúng ta cần rà soát lại danh mục phế liệu nhập vào trong nước. Tôi cũng thừa nhận rằng hiện năng lực công nghệ của chúng ta có lẽ không đủ để xử lý loại chất thải trên, cho nên quan điểm là cần nói không với việc nhập phế liệu” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi về Nhà máy Dana Ý tại TP.Đà Nẵng không chỉ ô nhiễm khói bụi mà còn ô nhiễm về nguồn nước, trong khi đó ở tỉnh Quảng Nam thì lại đang có chủ trương di dời nhà máy Việt – Pháp về phía thượng nguồn trong khi phía dưới là rất nhiều khu vực dân cư, hệ thống nguồn nước dẫn từ thượng nguồn về. “Cử tri và người dân Quảng Nam đang hết sức lo lắng về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với các nhà máy thép này” – đại biểu Sơn nói.
Trả lời câu này, bộ trưởng Trần Hồng Hà nói nếu nhà máy mà đặt sai vị trí thì bộ không thể xử lý được mà thuộc thẩm quyền của địa phương. Việc nhà máy thép Dana Ý đặt sai vị trí thì TP.Đà Nẵng cần xem xét kỹ câu chuyện quy hoạch, nơi bố trí nhà máy. Còn việc Nhà máy thép Việt – Pháp mà đại biểu nêu là đang có hướng di chuyển lên thượng nguồn tỉnh Quảng Nam thì bộ trưởng chưa nắm cụ thể vị trí dự kiến của nhà máy. “Trách nhiệm của bộ thì bộ chỉ quan tâm tới vấn đề chất thải mà nhà máy đưa ra môi trường” – ông Hà nói.
Bauxite Tây nguyên có thật sự có hiệu quả? Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu câu hỏi về hai nhà máy alumin gồm Nhân Cơ và Tân Rai qua một thời gian đi vào vận hành thì phát sinh hàng loạt các sự cố như vỡ hồ chứa bùn thải, rồi hiểu quả kinh tế cũng không như đặt ra. Đại biểu Vượt đề nghị bộ trưởng trả lời cụ thể vấn đề này. Về câu hỏi này, vị bộ trưởng Bộ TN-MT nói rằng dự án ở Nhân Cơ (Đắk Nông) mà đại biểu nêu thì ông đã tới kiểm tra. Tuy nhiên sự cố rò rỉ chỉ xảy ra nội bộ, quy mô nhỏ chứ không phải thảm hoạ gây ảnh hưởng lớn. Về giải pháp, người đứng đầu bộ Tài nguyên cho biết hiện nay đang chỉ đạo và cho giám sát thường xuyên tại các nhà máy này. “Riêng hồ lắng bùn đỏ thì đang được làm theo ba nấc hồ, việc lựa chọn và thiết kế độ bền của bạt đáy hồ cũng như hệ thống bao quanh hồ thì đã được cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên vấn đề môi trường thì tôi cũng thống nhất là cần giám sát, kể cả trách nhiệm giám sát cả Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam TKV. Vì thế về cơ bản là chúng ta có thể yên tâm được” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. |
KỲ DUYÊN