Những cơ chế, chính sách ưu đãi hay nỗ lực cải thiện đầu tư của Quảng Nam cũng sẽ chỉ là chuyện nửa vời khi chưa thể giải quyết được bài toán giải phóng mặt bằng, cung cấp đất sạch cho các nhà đầu tư. Đó là câu chuyện được quan tâm tại các diễn đàn và trên thực tế tại nhiều địa phương.
Gấp rút xây dựng hạ tầng tái định cư để bố trí dân dự án vùng đông đến nơi ở mới.Ảnh: T.DŨNG |
Nhìn đâu cũng thấy vướng
Tiến độ ì ạch của các dự án đầu tư, từ những dự án trọng điểm như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các dự án đầu tư vùng ven biển từ Điện Ngọc đến Chu Lai, các khu công nghiệp… không phải là vấn đề mới. Không ít dự án vùng ven biển Hội An phải mất đến gần 10 năm “hoang hóa”, trở thành những dự án treo. Thậm chí nhiều chủ đầu tư như dự án Thái Bình Dương đã phải quyết định xé lẻ dự án theo đề nghị, thỏa thuận của chính quyền Hội An nhưng cũng không thể đẩy thêm được tiến độ đầu tư khi địa phương chưa giao mặt bằng sạch. Hoặc như chủ đầu tư Khu công nghiệp Tam Thăng đã phải buộc từ chối nhiều dự án đầu tư khác vì chuyện bồi thường giải tỏa vẫn ngổn ngang. Thaco đã cam kết đầu tư giai đoạn 2017 - 2012 tổng cộng gần 3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất, phát triển các nhà máy lắp ráp, sản xuất linh kiện phụ tùng máy nông nghiệp, hình thành các khu phức hợp về nông nghiệp, đầu tư khu đô thị Chu Lai… để tạo nên một bức tranh đô thị khởi sắc, đón làn sóng đầu tư mới vào Chu Lai bắt đầu từ năm 2021. Song điều lo lắng của ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Thaco là ngoài lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ, cần lực nâng của chính sách thì chuyện hỗ trợ của chính quyền địa phương về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy các dự án hạ tầng lớn về giao thông, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy... vẫn là một trong những chuyện quan trọng phải được đặt lên hàng đầu.
Thực tế, nhìn đâu cũng thấy vướng mắc chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngay như vùng đông nam được xác định tập trung những dự án đầu tư trọng điểm mang theo hy vọng gia tăng tốc độ phát triển Quảng Nam trong một vài năm tới vẫn đang nóng vì ách tắc giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT cho biết cơ quan này chủ yếu làm cơ chế, tham mưu chính sách, nhưng không thể xong việc cấp 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thể hoàn tất việc quản lý hiện trạng vùng đông nam vào ngày 30.6.2017. Kế hoạch này phải trì hoãn cho tới tháng 12.2017, nhưng không biết có thực hiện được hay không. Đó là chưa kể kế hoạch giao mặt bằng sạch cho hàng trăm dự án đang đầu tư khắp Quảng Nam cũng đang rắc rối, vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Khó tháo gỡ
Tại vùng đông nam, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng không thể theo kịp tiến độ đầu tư của các dự án. Không thể giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đúng cam kết trước việc thiếu nguồn lực, thiếu cả đất, khu tái định cư và công tác quản lý hiện trạng vẫn chưa chặt chẽ. Nhiều cuộc giám sát của HĐND tỉnh tại các khu vực Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành đều ghi nhận nhiều vấn đề phức tạp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chính là tái định cư. Hầu hết báo cáo của chính quyền Hội An hoặc các đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực đông nam như Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (thuộc Sở TN-MT), Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai hay Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Duy Xuyên đều cho rằng không thể gỡ nổi tình trạng lỏng lẻo trong quản lý hiện trạng ở vùng đông nam. Công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực này gặp khó khăn chủ yếu do người dân so bì về giá đất bồi thường, khó khăn trong việc kiểm đếm, xét duyệt nguồn gốc, diện tích đất, chờ hỗ trợ đất khai hoang, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ việc trồng cây lâu năm… Ngoài ra, tình trạng ù lỳ, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, cơi nới, lấn chiếm, xây dựng trái phép và các khu tái định cư dở dang... cũng là những lực cản khiến công tác giải phóng mặt bằng ì ạch.
Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng Quảng Nam đang đón làn sóng đầu tư mới. Nếu không linh hoạt tháo gỡ những vướng mắc này thì khó có cơ hội mang lại tăng trưởng. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng mong muốn các địa phương kiểm soát chặt, hạn chế và xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vi phạm về xây dựng, cơi nới trái phép. Cần xử lý dứt điểm các vụ vi phạm và nhanh chóng bồi thường, xây dựng các khu tái định cư, phê duyệt giá đất để có thể kịp thời bố trí cho các hộ tái định cư. Trong bản báo cáo gửi các cấp, ông Phạm A - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp giải thích, tuyên truyền, vận động các trường hợp chưa kiểm đếm thống nhất hợp tác kiểm đếm, đẩy nhanh tiến độ. Kiểm tra, rà soát giải quyết các trường hợp tranh chấp đất đai và các trường hợp sai lệch giữa hiện trạng sử dụng đất so với hồ sơ trích đo địa chính đã được phê duyệt để làm cơ sở thực hiện công tác xác nhận nguồn đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng. Cơ quan này cũng đề nghị các chủ đầu tư sớm cung cấp thông tin về quỹ đất tái định cư để bố trí cho các đối tượng tái định cư đáp ứng theo kế hoạch đã được các bên thống nhất, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các khu tái định cư để kịp thời có quỹ đất tái định cư.
Tại nhiều diễn đàn, các đại biểu cho rằng nếu chậm tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc mặt bằng hiện tại thì dù Quảng Nam có cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn… cũng chỉ là những cải thiện nửa vời. Đó cũng chính là lý do chỉ số tiếp cận đất đai trong PCI năm 2016 lại tiếp tục sụt giảm điểm trong mắt các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
TRỊNH DŨNG