Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, châu Á là châu lục dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực xuất khẩu.
Lĩnh vực xuất khẩu được xem là một trong những yếu tố kích thích phát triển kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương hay “đầu tàu” của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu của khu vực hiện nay vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, song xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng đều đặn mỗi năm. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây cho biết, xuất khẩu hàng hóa của châu Á năm 2015 cao nhất toàn cầu, ước đạt 5%, trong khi mức tăng trưởng bình quân của thế giới khoảng 3,3% cho năm 2015 và sẽ là 4% cho năm 2016.
Mặt hàng thủy - hải sản của châu Á được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. |
Đây là tin vui và triển vọng lạc quan cho kinh tế khu vực trước dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng, kinh tế thế giới năm 2015 sẽ phát triển nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Theo đó, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2015, nhưng các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng yếu ớt. Do vậy, chính phủ các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài các phương pháp truyền thống, công nghệ cao là phương tiện hữu hiệu được khai thác mạnh trong năm nay. Ví như tại Hàn Quốc, chính phủ đã lên chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến tới nhiều quốc gia và sẽ được công bố rộng rãi vào tháng 6 tới đây.
Trong đó, 5 nước gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia, được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về lượng xuất khẩu qua giao dịch điện tử và quy mô thị trường. Đây là chiến lược về sản phẩm tiếp thị, thanh toán và hệ thống vận chuyển sao cho phù hợp với từng quốc gia. Chiến lược trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy người tiêu dùng nước ngoài mua sắm trực tuyến hàng hóa Hàn Quốc, qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng xuất khẩu trực tuyến. Hay như việc hình thành Cộng đồng kinh tế các nước khu vực Đông Nam Á vào cuối năm 2015 được ví như “liều thuốc bổ” kích thích xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Á.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ gặp một số rủi ro, trước những biến động bất thường của kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu, như đã từng xảy ra. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới xảy ra cách đây vài năm, đến cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro kéo dài khiến nhu cầu nhập khẩu của nhiều khu vực tác động tiêu cực đến kinh tế châu Á. Hay, nếu Mỹ gặp phải sự cố suy giảm kinh tế kéo dài thì điều này sẽ tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu toàn cầu, châu Á cũng không tránh khỏi. Điển hình như Trung Quốc - một nền kinh tế lớn của châu Á phụ thuộc rất nhiều trong lĩnh vực xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2015 nếu kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh.
QUỐC HƯNG