Châu Á: Đô thị với biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 07/05/2015 10:26

Mối liên hệ giữa tốc độ phát triển nhanh các đô thị tại châu Á với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng thể hiện rõ nét. Vì thế, giải pháp về BĐKH đang được khu vực đặc biệt quan tâm.

Đô thị và BĐKH, một trong những chương trình nghị nêu ra tại Hội nghị sự thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diễn ra từ ngày 2 - 5.5 vừa qua tại thủ đô Baku của Azerbaijan. ADB lưu tâm đến khu vực là các vùng duyên hải, vùng hạ lưu thuộc các thành phố lớn của châu Á như Bangkok (Thái Lan), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar), Mumbai (Ấn Độ), Manila (Philippines), Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), TP.Hồ Chí Minh (Việt Nam). Đây là những nơi chịu nhiều tác động nghiêm trọng từ diễn biến khí hậu khắc nghiệt như lụt lội, nước biển dâng cao, triều cường. Trong khi đó, những thành phố trong đất liền đối phó với bão lũ, nhiệt độ tăng cao gây thiệt hại về con người, cơ sở hạ tầng, tài sản và vật nuôi.

 Thành phố Jakarta (Indonesia) với chiến lược “xanh và đáng sống”. Ảnh: indesignlive
Thành phố Jakarta (Indonesia) với chiến lược “xanh và đáng sống”. Ảnh: indesignlive

Hiện nay, các thành phố lớn là trung tâm phát triển kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 80% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Đồng thời các thành phố đó cũng tiêu thụ 80% nguồn năng lượng của khu vực, phát thải 75% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khu vực và khoảng hơn 40% của thế giới. Các nhà khoa học dự báo trong vòng 35 năm tới, người dân ở các thành phố của khu vực đạt tới con số 1,2 tỷ người. Chính điều này buộc chính phủ các nước khẩn cấp đối phó với hệ lụy dân số gia tăng mạnh ở đô thị và vấn đề BĐKH liên quan.

Vì vậy, ADB phát động, sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, xây dựng nhà ở tiết kiệm năng lượng, hạ tầng giao thông thông thoáng, ngoài ra, cam kết chính trị của chính phủ các nước là giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề trên. Trong đó, nổi bật nhất là Kế hoạch hoạt động đô thị (Urban Operational Plan) - của ADB  giai đoạn 2012-20120. Đó là tập trung giải quyết các vấn đề môi trường (xanh), hài hòa (bao hàm mọi tầng lớp) và kinh tế (tính cạnh tranh), và thiết lập định hướng tương lai hướng tới sự phát triển hiệu quả, bền vững và hài hòa của các đô thị.

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển một đô thị “xanh và đáng sống” với cả người dân địa phương lẫn khách du lịch, chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia ban hành quy hoạch tới năm 2030. Khi đó, Jakarta sẽ có khoảng 30% diện tích xanh; 60% dân số sử dụng các phương tiện công cộng… Chính phủ Singapore cũng đang thực hiện rất hiệu quả Kế hoạch hành động lâu dài trong 50 năm tới với tên gọi “xanh lá cây và xanh da trời”, qua đó xúc tiến các công việc liên quan như trồng cây, tạo vườn, liên kết không gian xanh… Tất cả nằm trong chiến lược xây dựng đô thị thích ứng với BĐKH, ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng cao.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Á: Đô thị với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO