Trước thực trạng nhức nhối về lượng chất thải gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe tại khu vực, từ ngày 18 đến 20.3, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn khu vực châu Á về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3R - Reduce: giảm thiểu, Reuse: tái sử dụng, Recycling: tái chế) nhằm giải quyết một trong những vấn đề quan tâm của khu vực và toàn cầu nói chung.
Xử lý rác thải để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.(Ảnh: Internet) |
Hơn 200 đại biểu đến từ 31 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận rằng, khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng chất thải đang gia tăng nhanh chóng và cần được giải quyết hiệu quả, kịp thời trước sức ép của môi trường bị tổn hại nghiêm trọng, diễn biến khí hậu toàn cầu thay đổi ngày càng khắc nghiệt… Bà Chikako Takase - Giám đốc Trung tâm Phát triển vùng của Liên hiệp quốc chia sẻ: “Châu Á có nhiều quốc gia nhập khẩu vật liệu thô (nhiên liệu, kim loại và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác); lượng chất thải rắn, chất thải điện tử, chất thải y tế đang gia tăng đáng kể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đối với hệ sinh thái và môi trường sống. Tại diễn đàn này, tôi mong muốn các đại biểu cùng thảo luận, đưa ra những biện pháp quản lý và tái sử dụng chất thải một cách hiệu quả, thân thiện với môi trường”.
Theo thống kê mới nhất của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc, mỗi năm thế giới thải ra 30 - 60 tấn rác thải điện tử, phần lớn lại tập trung tại khu vực châu Á. Trong đó, số lượng tái chế vẫn ở mức quanh quẩn chỉ 5%. Cũng tại khu vực, Nhật Bản (nước tiên phong trong sáng kiến 3R) và Singapore được xem là hai mô hình giải quyết vấn nạn chất thải khá hiệu quả. Việc tái sử dụng chất thải của Nhật Bản đã thành công khi trong nhiều năm qua, nước này đã ban hành 37 đạo luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, Luật Xúc tiến sử dụng tài nguyên tái chế ban hành từ năm 1992 đã góp phần làm tăng các sản phẩm tái chế. Sau đó Nhật Bản còn ban hành Luật Xúc tiến thu gom, phân loại, tái chế các loại bao bì được thông qua năm 1997 đã nâng cao hiệu quả sử dụng những sản phẩm tái chế bằng cách xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan… Tại Singapore, người dân của “đảo quốc sư tử” này cũng đã thực hiện khá nghiêm ngặt cả 3 yếu tố của 3R. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore còn triển khai các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về môi trường của người dân, nhằm khuyến khích họ tham gia tích cực trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường.
Còn tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng đô thị và 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Các nước tham dự diễn đàn lần này sẽ thông qua “Tuyên bố Hà Nội về 3R - các mục tiêu 3R bền vững cho châu Á trong giai đoạn 2013 - 2023” lần thứ IV, hướng đến dịch chuyển sang một nền kinh tế và xã hội sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
NAM VIỆT (tổng hợp)