Châu Á ngăn chặn tin tặc

QUỐC HƯNG 15/05/2017 08:44

Thế giới vừa trải qua một đợt tấn công tin học lớn nhất lịch sử với 130 nghìn hệ thống trên 100 quốc gia, trong đó có khu vực châu Á.

Theo các chuyên gia công nghệ, tin tặc có thể sử dụng công cụ lấy từ các tài liệu bị đánh cắp của cơ quan An ninh nội vụ Mỹ (NSA), đột nhập vào máy tính tại hàng loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Italia, Ấn Độ. Anh là quốc gia đầu tiên thông báo về vụ tấn công này khi hoạt động của hệ thống bệnh viện ở nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể các máy tính bị khóa bởi một chương trình yêu cầu chủ sở hữu phải chi trả 300 - 600 USD tiền ảo Bitcoin để khôi phục dữ liệu. Thế nhưng, ngay cả khi đã trả tiền đầy đủ, nạn nhân vẫn khó phục hồi dữ liệu như cam kết. Tin tặc đã khai thác lỗ hổng trong hệ điều hành Windows của Microsoft. Hãng công nghệ an ninh mạng Avast cho biết đã phát hiện ra 75.000 vụ tấn công tống tiền qua mạng được gọi là WannaCry và các biến thể của tên gọi này trên thế giới. Cảnh sát châu Âu Europol nhận định, đây là vụ tin tặc tấn công lớn nhất và cần được điều tra quy mô quốc tế để nhận diện thủ phạm.

Châu Á đang kiểm soát và đánh giá tác động trong vụ tin tặc tấn công vừa qua. Ảnh: AFP
Châu Á đang kiểm soát và đánh giá tác động trong vụ tin tặc tấn công vừa qua. Ảnh: AFP

Châu Á ngăn chặn tin tặcMặc dù Bộ Kinh tế kỹ thuật số và xã hội Thái Lan đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị tấn công bởi mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) WannaCry nhưng cơ quan này vẫn đang phối hợp với Đội ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia để giám sát và kịp thời ngăn chặn. Người sử dụng máy tính được khuyến cáo không nên mở thư điện tử từ các địa chỉ đáng ngờ, cẩn trọng khi tải các tập tin và đảm bảo việc cập nhật thường xuyên hệ điều hành Windows và phần mềm chống vi rút của Microsoft để đảm bảo an toàn cho máy tính. Hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) và Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, hệ thống máy tính của nhiều trường trung học và đại học tại 2 quốc gia này bị ransomware tấn công, chuyển đổi mật mã tài liệu và yêu cầu người sử dụng trả tiền ảo Bitcoin để khôi phục lại các tập tin. Tuy nhiên, Xinhua cũng không tiết lộ các trường học tại Trung Quốc đã trả bao nhiêu tiền chuộc.

Tại Indonesia, ít nhất hai trung tâm y tế lớn là Bệnh viện Dharmais và Harapan Kita ở Jakarta trở thành nạn nhân trong vụ tấn công của tin tặc lần này. Do không thể truy cập hồ sơ bệnh nhân, các bác sĩ đành phải hủy bỏ việc khám bệnh và giải phẫu. Một số cơ quan chính phủ, công ty của Nhật Bản và Ấn Độ cũng không tránh khỏi đợt tấn công vừa qua. Theo một số chuyên gia, mối đe dọa hiện đã giảm bớt, một phần nhờ nhà nghiên cứu ở Anh, người từ chối tiết lộ danh tính, đăng ký một tên miền mà ông nhận thấy phần mềm độc hại WannaCry đang cố gắng kết nối nhằm hạn chế sự lây lan. Tuy nhiên, mối đe dọa của vụ tấn công mạng toàn cầu không chỉ dừng lại ở mức độ tống tiền như thời gian qua.

Theo hãng bảo mật nổi tiếng Norton, tổng thiệt hại do tội phạm ảo gây ra trên thế giới hằng năm lên tới 110 tỷ USD. Trung bình cứ mỗi 18 giây trên thế giới lại có một nạn nhân của tội phạm ảo.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu Á ngăn chặn tin tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO