Trước tình trạng di cư đổ bộ vào châu Âu ngày một đông, chủ yếu từ người tị nạn ở các nước có giao tranh, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thành viên hạn chế tình trạng này.
Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế, có tới hơn 276.000 người di cư bất hợp pháp vào lãnh thổ EU trong năm 2014, trong đó khoảng 207.000 người di cư qua Địa Trung Hải. Cao điểm nhất là dịp Giáng sinh và mừng năm mới 2015 vừa qua, các vụ di cư trái phép càng nhiều, chủ yếu là người tị nạn Syria, trên những con tàu chở hàng trong hải trình từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Italy. Con số chính xác mà Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đưa ra là 3.400 người phải bỏ mạng trên Địa Trung Hải khi cố gắng tới châu Âu với mong muốn kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm 2014. UNHCR đưa ra số liệu thống kê trên trước khi diễn ra cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa đại diện các quốc gia thành viên, các cơ quan Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) do người đứng đầu UNHCR Antonio Guterres chủ trì ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách đảm bảo an toàn cho những người di cư. Theo ông Guterres, không thể chặn đường thoát thân của người di cư mà phải giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách tìm hiểu lý do họ bỏ trốn, điều gì cản trở nỗ lực tị nạn của họ bằng những biện pháp an toàn hơn, song song với việc trấn áp các tổ chức tội phạm đưa người di cư trái phép.
Dòng người tị nạn đổ về biên giới Syria ngày một đông. (Ảnh: AFP) |
Vậy nhưng, ngày 13.1 vừa qua, phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề di trú, đối nội và quyền công dân, ông Dimitris Avramopoulos kêu gọi các nước thành viên EU cần phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan vấn nạn di cư trái phép qua Địa Trung Hải. Ông Avramopoulos cho rằng EU không thể để xảy ra liên tiếp các vụ di cư trái phép cho dù những người này mong muốn tìm nơi trú ẩn an toàn và một cuộc sống tốt đẹp tại châu Âu. Theo ông Avramopoulos, dù chưa thể chấm dứt thực trạng di cư trái phép hiện nay, nhưng nếu EU không phối hợp hành động quyết liệt, dòng người di cư vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Về phần mình, người đại diện của Đức trong EP, bà Monika Hohlmeier, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với EU triệt phá hiệu quả tội phạm có tổ chức, đồng thời cho rằng các nước thành viên EU cần hợp tác tốt hơn nữa. Mặc dù trước đó, vấn đề hỗ trợ cho người tị nạn tại Đức đã được giải quyết sau khi chính quyền liên bang đồng ý trợ cấp cho các bang để hỗ trợ người tị nạn. Các địa phương ở Đức trong năm 2015 sẽ được nhận bổ sung 500 triệu euro để hỗ trợ người tị nạn trong bối cảnh dòng người tị nạn tới Đức đang ngày một tăng. Chính quyền liên bang cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 500 triệu euro trong năm 2016 nếu chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục phải đối mặt với gánh nặng người tị nạn. Kể từ năm 2012, số người tới Đức xin tị nạn đã tăng 64% lên gần 130.000 người và vượt mức 200.000 người dịp Giáng sinh vừa qua. “Đây là thực sự là một gánh nặng đối với chính quyền địa phương ở Đức” - bà Monika Hohlmeier nói.
Xung đột nổ ra ở Libya, Syria và Iraq là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tìm đến châu Âu. Ngoài Địa Trung Hải là tuyến đường biển nguy hiểm nhất đối với người di cư, đã có ít nhất 242 người thiệt mạng ở Biển Đỏ và Vịnh Aden trong số 82.680 người di cư qua hành trình này, hầu hết xuất phát từ Ethiopia và Somali để tìm đường đến Yemen, Saudi Arabia hoặc các quốc gia Vùng Vịnh.
AN XUYÊN