Trong hai ngày 8 và 9.4.2014, hải quân và bảo vệ bờ biển của Italy cứu vớt được 4.000 người gặp nạn trên biển khi đang tìm cách nhập cư trái phép vào nước này. Vấn đề nhập cư trái phép đang gióng hồi chuông báo động không chỉ đối với Italy mà còn cho cả châu Âu nói chung.
ITALY vốn là một trong những cửa ngõ chính nhập cư vào châu Âu của những người nhập cư trái phép từ các nước nghèo đói hoặc bị xung đột hoành hành ở châu Phi và Trung Đông như Mali, Libya, Eritrea, Nigeria, Guinea, Cote d’Ivoire, Senegal và các nước Nam Á như Afghanistan, Pakistan… Thống kê từ Bộ Nội vụ Italy cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2014, số người nhập cư trái phép bằng đường biển vào Italy đã lên tới gần 11 nghìn người, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các lực lượng chức năng của Italy đã giải cứu cho hàng nghìn người nhập cư trái phép gặp nạn trên biển. Năm 2013, số người nhập cư trái phép qua đường biển vào miền nam Italy là 42.925 người, trong đó 65% đã nộp đơn xin tị nạn.
Lực lượng chức năng Italy cứu vớt người nhập cư trái phép. (Ảnh: reporters365.com) |
Theo Bộ trưởng Nội vụ Italy, Angelino Alfano, sinh mạng của những người nhập cư trái phép luôn trong tình trạng bất an bởi nguyên nhân của các vụ tai nạn hầu hết là do họ đi trên những con tàu cũ kỹ do các đường dây tội phạm tổ chức vượt biên trái phép. Trong khi các tổ chức tội phạm kiếm được lợi nhuận kếch xù từ hoạt động phi pháp thì mỗi năm có khoảng 1.000 người nghìn nhập cư vào châu Âu bằng đường biển phải bỏ mạng̀, đó là chưa kể số người mất tích giữa biển cả. Ước tính hiện có khoảng từ 300 đến 600 nghìn người Bắc Phi đang chờ đợi để được các băng nhóm tội phạm chuyên tổ chức đưa người vượt biển đưa sang châu Âu qua Italy.
Sau tai nạn chìm tàu kinh hoàng vào tháng 10.2013 gần đảo Lampedusa của Italy làm gần 400 người thiệt mạng, Italy gia tăng các hoạt động tuần tra trên biển và trên không ở phía nam Địa Trung Hải, trong nỗ lực ngăn chặn các thảm họa chìm tàu có nguy cơ xảy ra. Chính phủ Italy tăng thêm 190 triệu euro cho ngân quỹ giải quyết tình trạng dòng người nhập cư nước ngoài quá lớn tràn vào, đồng thời tăng ngân quỹ xử lý các vấn đề phát sinh thêm 20 triệu euro. Cũng vậy, châu Âu xây dựng kế hoạch đối phó với nạn nhập cư trái phép như tập trung ưu tiên cho tăng cường giám sát biên giới và hỗ trợ các nước thành viên phải đối mặt với làn sóng người di cư lớn, đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn buôn người, mở thêm kênh pháp lý cho những người di cư đến châu Âu, phối hợp chặt chẽ hơn với các nước được xem là điểm trung chuyển dòng người nhập cư… Tuy nhiên, kế hoạch này không dễ thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế khu vực này vẫn chưa thực sự vượt qua cơn khủng hoảng, tình hình mất ổn định xã hội vẫn hiện hữu tại nhiều nơi, tình trạng thất nghiệp của khu vực vẫn ở mức cao với khoảng 10,6%...
Các nhà chức trách Italy nhận định, số người nhập cư trái phép vào châu Âu qua đường biển càng cao thì nguy cơ thảm họa tai nạn là không lường được và cảnh báo khi đó Địa Trung Hải thực sự sẽ trở thành một nghĩa địa.
KIM OANH