Lỗ hổng trong quản lý, khai thác, đặc biệt tình trạng khai thác trái phép đang khiến nguồn tài nguyên khoáng sản dần cạn kiệt, người dân mất đất sản xuất, ngân sách nhà nước thất thu, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng…
Tình trạng khai thác vàng trái phép rầm rộ trong dịp tết.Ảnh: TRẦN HỮU |
Tái diễn dai dẳng
Nhiều loại khoáng sản quý hiếm như than đá, sắt, chì, vàng cốm, vàng sa khoáng, cát trắng… phân bố khắp địa phương trong tỉnh, từ miền núi đến trung du và đồng bằng. Giá trị kinh tế đem lại từ nguồn thu khai thác tài nguyên khoáng sản không hề nhỏ. Thế nhưng, những bất cập trong quản lý khai thác khiến tài nguyên khoáng sản của Quảng Nam bị xâm hại nghiêm trọng. Thượng nguồn sông Thanh cắt qua địa phận huyện Nam Giang, sông Trường đoạn xã Phước Hiệp (Phước Sơn), sông Bồng Miêu, qua xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và Tiên Lập (Tiên Phước) bây giờ đã không còn là dòng sông nguyên vẹn, trong xanh nữa mà đã bị cày nát vô tội vạ. Đất đá ở các khu vực này bị máy múc, máy bơm khoét sâu tạo thành những hố nham nhở. Một số địa bàn, đối tượng đã chấp nhận bỏ tiền ra thương lượng mua đất lại của người dân địa phương để giành quyền khai thác. Hệ lụy là những thửa ruộng, bãi nà màu mỡ ven sông… đã mất hẳn chức năng sản xuất, trồng trọt do bới tìm vàng. Đất ven sông Trường khu vực thôn Bà Xá (xã Phước Hiệp, Phước Sơn) ruộng lúa bị “teo” lại do nhóm người khai thác mua tự chuyển đổi mục đích sử dụng, phần bị bồi lấp do tận thu vàng. Theo người dân địa phương, toàn bộ khu vực này vốn là cánh đồng thâm canh lúa, bắp, rau màu nhưng từ ngày “lốc vàng” quét qua, thung lũng này đã hoàn toàn biến dạng địa hình, phải mất một thời gian dài mới có thể canh tác được.
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, năm 2015 sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; thu hồi sản phẩm từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. |
Dịp trước và sau Tết Nguyên đán, hầu như địa bàn nóng nào cũng rầm rộ tình trạng khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng huyện Phú Ninh cho biết, thời điểm tết phá hủy 86 lán trại, 475 bao xái quặng, 73 thùng nước và hóa chất, hơn 5m3 gỗ các loại dùng để chằng chống hầm lò và dựng lều, lán trại; làm mất tác dụng 29 máy nổ, 29 cối xay, 21 cối dập, 9 máy phát điện và máy bơm nước; tạm giữ 15 mô tô, xe máy các loại và đẩy đuổi gần 200 người ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép. Trong khi đó, tại “thánh địa vàng” Phước Sơn, quy mô tận thu vàng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo ông Trần Văn Hạ, Phó Trưởng phòng Tài nguyên – môi trường huyện Phước Sơn, phức tạp là xử lý tài sản trị giá lớn khi tham gia khai thác. Cá biệt có doanh nghiệp dù đã hết phép hoạt động vẫn sử dụng cả 100 lao động tranh thủ vơ vét khoáng sản. Tại Bãi Thông (xã Phước Lộc, Phước Sơn), giới thổ phỉ còn huy động cả dây chuyền công nghệ máy móc hiện đại với hàng chục công nhân trực tiếp lao động.
Thất thoát lớn
Nhận định chung của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia kinh tế khi phân tích về đầu tư lĩnh vực khai khoáng thời gian qua là lợi ít hại nhiều. Thực tế, nguồn thu của các địa phương chủ yếu dựa vào thuế tài nguyên khoáng sản. Nghịch lý ở chỗ, doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khoáng sản thực tế khai thác hàng năm, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm cơ sở cho việc tính thuế tài nguyên, trong khi thực tế nhiều trường hợp báo cáo chưa đúng sản lượng khai thác gây thất thoát nguồn thu ngân sách. Năm 2013, các đơn vị khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách hơn 40,5 tỷ đồng, chủ yếu các khoản thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, ký quỹ phục hồi môi trường và hơn 10 tỷ đồng đóng góp xây dựng hạ tầng. Nguồn thu về khai khoáng giảm mạnh trong năm 2014.
Một dẫn chứng khác về nguồn thu khiêm tốn về lĩnh vực khai khoáng, như ở tỉnh Điện Biên, 3 năm liền (2007 - 2010) chỉ thu được vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng tiền thuế khai thác khoáng sản, dù có tới gần 90 điểm mỏ được cấp phép khai thác các loại khoáng sản từ vàng cốm, vàng sa khoáng đến than, chì, kẽm, sắt, bauxit, đá vôi, cát sỏi… Tại Quảng Nam, thất thoát lớn nguồn thu về khoáng sản cát trắng những năm gần đây, tập trung ở các địa phương Quế Sơn, Thăng Bình và Núi Thành. Các tổ chức cá nhân đã khai thác trái phép, mua bán hóa đơn, trốn thuế tài nguyên, không nộp phí bảo vệ môi trường với số lượng và giá trị lớn. Vì sự “móc ruột” cát trắng mà năm qua, cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án, bị can. Chưa kể tình trạng khai thác cát trắng lậu ở địa bàn Tam Kỳ, Thăng Bình…
TRẦN HỮU