LTS: Với đặc điểm địa lý và khí hậu đặc thù, cộng thêm diễn biến ngày càng khắc nghiệt do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, Quảng Nam được xem là “tâm điểm” của nguy cơ xảy ra thiên tai bão lụt. Nhiều bài học được rút ra sau thiên tai không bao giờ là mẫu số chung cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB). Tuy vậy, tính toán các biện pháp ứng phó - “chạy” trước mưa bão, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của khi mưa bão xảy ra… luôn là nỗ lực không bao giờ thừa.
Mùa mưa lũ mỗi năm, làng Phước yên (xã Đại An) mất đi hàng chục mét đất vì sạt lở. Ảnh: VINH ANH |
BÀI 1: NỖI LO CŨ
Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều mối lo bởi tình trạng sạt lở ven sông, lở núi gây ách tắc, cô lập chưa được khắc phục.
Đồng bằng: lo sạt lở ven sông
Ngay sau khi cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp, mưa tạnh, ông Nguyễn Hữu Nhàn - Bí thư Chi bộ thôn Phước Yên (xã Đại An, Đại Lộc) điện thoại báo cho chúng tôi biết nước lụt đã rút ra khỏi thôn, đường đã đi lại được. Nhưng ông cũng bày tỏ lo lắng là sau khi nước rút thì tại bờ sông thuộc tổ 2 (thôn Phước Yên) bị sạt lở một đoạn dài, nhiều bụi tre đổ ập xuống lòng sông Vu Gia, bờ sông xói lở nặng nề. Khu vực thôn Phước Yên từ nhiều năm qua luôn là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở đất ven sông, đe dọa đến đất sản xuất, tài sản và tính mạng của 205 hộ dân đang sinh sống tại đây. Trước tình trạng này, năm ngoái huyện Đại Lộc triển khai gia cố tạm bờ sông bằng bao cát với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời, tình trạng sạt lở tại đây vẫn tiếp diễn mỗi khi có mưa lớn. “Nhìn từng tấc đất bị sông nuốt chửng mà chúng tôi vẫn không biết làm gì để cứu đất, cứu vườn. Bà con mong mỏi dự án kè bờ sông sớm được triển khai” - ông Nhàn bộc bạch.
Tình trạng sạt lở đất ven sông là nỗi lo của nhiều người dân tại Đại Lộc. Có thể kể đến những “điểm nóng” về sạt lở đáng báo động như thôn Mỹ Hảo (Đại Phong), Hòa Hữu Đông (Đại Hồng), thôn 14 và 15 (Đại Lãnh), Mỹ Thuận (Đại Nghĩa), Giao Thủy (Đại Hòa), ven khu dân cư từ cầu Ái Nghĩa đến cầu Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa)… với hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận: mức độ sạt lở ngày càng đáng báo động, nhưng công tác xây kè chống xói lở vẫn chưa thể thực hiện được hết tại các khu vực vì nguồn kinh phí quá lớn, vượt khả năng của huyện. Ước tính còn khoảng trên 20km bờ sông cần phải kè. “Địa phương ủng hộ chủ trương kè bờ sông để chống sạt lở bởi nó hiệu quả hơn nhiều so với phương án di dời dân đến nơi ở mới. Bây giờ tìm đâu ra quỹ đất để di dời, trong khi đó từng tấc đất, mảnh vườn ngày ngày trôi tuột xuống sông. Người dân cũng không mặn mà di dời đến nơi ở mới vì tốn kém, thiếu đất sản xuất… Do tình hình sạt lở nghiêm trọng nên địa phương luôn tính tới phương án tại chỗ thứ 5, tức là quản lý sơ tán tại chỗ trong cộng đồng dân cư. Cơn bão số 8 vừa qua, Đại Lộc đã thực hiện sơ tán 1.361 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu” - ông Tính nói.
Những “điểm nóng” về nguy cơ cô lập Theo UBND huyện Tây Giang, mối lo thường trực là nguy cơ cô lập 4 xã vùng cao khu 7 (Tây Giang) dù một số hạng mục quan trọng như cầu Abanh (xã Tr’Hy), hàng chục ki lô mét đường theo tuyến này đã được gia cố... Những năm trước đã từng xảy ra tình trạng hàng chục tấn gạo cứu đói của huyện không thể chuyển lên vùng cao trong mùa mưa do đường sá sạt lở, chia tách. Do địa hình phức tạp, nhiều điểm sạt lở phân bổ rải rác, khả năng bị cô lập của khu vực này rất dễ xảy ra. Nhiều năm liền xã Cà Dăng trở thành xã “mồ côi” khi mưa bão xảy ra. Địa hình phức tạp, nằm cách trở khá xa tuyến đường trung tâm là lý do khiến Cà Dăng liên tục bị chia tách trong nhiều mùa mưa bão. Hiện tại, phương án phòng chống tối ưu được đưa ra là tăng mức dự trữ nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, dầu thắp sáng... cho người dân trước mùa mưa. |
Tại Duy Xuyên, vào mỗi mùa mưa bão thì nỗi lo sạt lở ven sông đe dọa đến tài sản tính mạng của nhân dân lại đè nặng trên vai chính quyền địa phương. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, hiện tại Duy Xuyên có 9 điểm sạt lở ven sông Thu Bồn và sông Bà Rén với chiều dài xác định là 11km, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Lâu nay địa phương chỉ mới triển khai kè được hơn 10km. Các nơi sạt lở xung yếu có thể kể đến như An Lương (Duy Hải), Vạn Buồng (Duy Vinh), Tĩnh Yên (Duy Thu), Tiệm Rượu (thị trấn Nam Phước)… “Dù các phương án ứng phó, phòng ngừa thiên tai bão lũ đã được cụ thể hóa đến từng chi tiết, từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB địa phương. Tuy nhiên cứ có bão lũ là lo canh cánh, nhất là an toàn cho các khu dân cư ven sông lâu nay bị sạt lở” - ông Năm nói.
Miền núi: nguy cơ chia cắt, cô lập
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB huyện Tây Giang, hiện trên địa bàn huyện có 258 hộ có nguy cơ sạt lở, trong đó xã Dang là khu vực có tới 120 hộ nằm trong diện cảnh báo, sau đó là Ch’ơm (79 hộ) và A Vương (47 hộ). Nhiều khu điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao như khu vực thôn K’la, Arui, K’xêêng (xã Dang), thôn Atu 1, Atu 2 (xã Ch’ơm) cùng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như tuyến Azứt – Lăng đoạn thôn Agiốc, tuyến đường Hồ Chí Minh dọc thôn Bhlố 1, Bhlố 2, đường vào một số thôn thuộc xã Dang, xã A Vương. Nhiều địa bàn tiếp tục là khu vực phải cảnh báo trong mùa mưa lũ do người dân vẫn chưa chủ động di dời, hoặc phương án phòng chống sạt lở gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Tại một số mặt bằng tái định cư mới được triển khai xây dựng, sạt lở cũng đang đe dọa do việc gia cố, kè chống sạt lở chưa được triển khai.
Sạt lở gây cô lập các huyện miền núi trong mùa mưa lũ vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: P.GIANG |
Tại Đông Giang vẫn xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G khu vực thôn K8, K9 (xã Sông Kôn), thôn A Xing (thị trấn P’rao), nhiều tuyến đường liên xã như A Điềm - Kà Dăng, Za Hung - Arooih, xã Ba - xã Tư. Nút thắt giao thông Dốc Kiền thuộc địa phận xã Hòa Phú (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) giáp ranh xã Ba (Đông Giang) đã được tiến hành gia cố, xây kè chống nhưng do khối lượng đất đá quá lớn nên khả năng sạt lở gây ách tắc cục bộ vẫn xảy ra. Mùa mưa bão năm nay, nguy cơ sạt lở được cảnh báo ở mức cao hơn tại hàng loạt khu dân cư như thôn Điềm, Nà Hoa (xã Tư), thôn Năm (xã Ba), Arăm II, La Đàng, Zà Há (xã Jơ Ngây), thôn Bút Sơn, Bút Tưa (xã Sông Kôn) cùng với các khu tái định cư như Pachepalanh, Cút Ch’run...
Lo ngại sạt lở chia cắt các địa bàn trọng yếu, gây ách tắc giao thông trên các trục đường lớn đang là mối quan tâm hàng đầu của các địa phương miền núi Đông Giang, Tây Giang trong thời điểm hiện tại. Trước tình hình đó, các địa phương đã sớm có kế hoạch xây dựng phương án phòng chống, ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra trong mùa mưa lũ. Ông Phạm A - Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Chỉ huy PCLB huyện Tây Giang cho biết, đối với những khu vực có khả năng sạt lở, huyện đã tổ chức khảo sát, đánh giá nguy cơ, đồng thời đề ra các phương án yêu cầu di dời hoặc cưỡng chế di dời khi xảy ra bão lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Các biện pháp gia cố, phòng chống sạt lở ở các điểm dân cư cũng đang được tích cực triển khai thực hiện như gia cố bờ ta luy khu vực thôn Agiốc, nâng mặt bằng thôn Aching, xã A tiêng... Rút kinh nghiệm từ các năm trước, huyện Đông Giang tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt công tác dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm tại những nơi trọng điểm và các địa phương bị cô lập. Mặt khác chính quyền địa phương chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân và các cơ quan, đơn vị có số lượng người đông cần phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu để ứng phó đảm bảo ít nhất trong 30 ngày. “UBND huyện đã bố trí nguồn kinh phí dự phòng để mua dự trữ 6.000 lít xăng dầu, 1.100 thùng mỳ tôm, 15 tấn gạo, 2 tấn muối ăn… tại 4 điểm xã Ba, Sông Kôn, thị trấn P’rao và xã Kà Dăng, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong việc chỉ đạo, thực hiện các biện pháp ứng phó với diễn biến bão lũ” - ông Lê Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ huy PCLB huyện Đông Giang cho biết.
_________________
Bài 2: “Lập trình” cho hồ chứa
HÀN GIANG - PHƯƠNG GIANG
|