Lịch sử các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam luôn gắn với các cuộc tranh luận khen chê. Âu đó cũng là lẽ thường tình vì mỗi người có “thước đo” khác nhau và không phải lúc nào cũng khớp với quan điểm thẩm mỹ của ban giám khảo.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, chê bai trên mạng xã hội đến nỗi phải xin lỗi và giải trình gửi cơ quan chức năng, như chuyện “vạ facebook”, “vạ chữ” của một nhà báo đối với tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê thì thật hy hữu. Chủ nhân tài khoản facebook đó tự nhận mình đã có những “lời lẽ xấu xí” dành cho cô gái Ê Đê. Dù lời xin lỗi đã đưa ra, nhưng ý kiến phản đối từ nhiều ngày qua thì chưa dễ nguôi ngoai và đặt ra cho mỗi người viết/người nói trách nhiệm kiểm soát bản thân. Câu “họa tùng khẩu xuất” xem ra rất đúng ở trường hợp này.
Mới 3 tháng trước đó, cô gái Ngân Anh ngay sau đêm đăng quang Hoa hậu Đại dương cũng phải hứng chịu nhiều lời chê bai. Thậm chí, cư dân mạng đã hơi quá đà khi mang đường nét của đôi môi của người đẹp (được cho là lỗi trang điểm và dị ứng thời tiết) ra chế nhạo bằng hình ảnh… chú cá cảnh. Để rồi đến nay, khi tân hoa hậu H’Hen Niê “lâm nạn”, chính Ngân Anh lên tiếng động viên người đồng cảnh ngộ sớm vượt qua cơn sóng gió.
Thật khó liệt kê hết các câu chuyện đàm tiếu xung quanh các cuộc thi người đẹp ở nước ta. Không chê da nâu thì chê tóc ngắn, rồi thì dè bỉu vòng 1 - 2 - 3, không tìm thấy khiếm khuyết về hình thể thì sục tìm bảng điểm từ thời học sinh… Mà “tư liệu” dễ tìm thấy nhất chính là các câu trả lời của người đẹp trước ban giám khảo trong đêm chung kết. Xui rủi cho cô nào bốc thăm trúng câu hỏi khó, không đủ tự tin hay thiếu kiến thức… thì xem như đã “chiêu đãi” thiên hạ trận cười.
Có lẽ dư luận vẫn không đồng tình khi những thí sinh của cuộc thi người đẹp lại… xấu. Đòi hỏi cao của dư luận cũng chính là thước đo xã hội, dù các thành viên ban giám khảo luôn có lý khi đưa thêm các tiêu chí khác về nhân trắc học, kiến thức, tính cách, sự thân thiện. Biết là vậy, nhưng chê theo lối “vùi liễu dập hoa” thì có chút gì đó nhẫn tâm.
Thời nay, khi dễ dàng tận mục sở thị nhan sắc bằng các phương tiện kỹ thuật, thước đo của chuyên gia cũng công khai đến từng centimet các đường cong người đẹp, vậy mà chuyên khen chê chưa hẳn đã đúng. Vậy nên, ngược về quá khứ, khi người đẹp bị chê thì phần nhiều được… kể theo giai thoại. Mà người bị chê xấu dễ gây “phẫn nộ” nhất có lẽ là Bà chúa Tàm tang (Bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm) xứ Quảng, bà quý phi Đoàn Thị Ngọc.
Lọt vào “mắt xanh” của công tử Nguyễn Phúc Lan khi theo cha (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) tuần du dinh Quảng Nam, người đẹp Chiêm Sơn này không thể chỉ sở hữu giọng hát quyến rũ bên biền dâu mà ngày nay thiên hạ vẫn trích dẫn: “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa/ Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”. Theo hầu thế tử (sau này Nguyễn Phúc Lan kế ngôi trở thành chúa Thượng) và sanh hạ 3 trai 1 gái, trong đó một người con của họ còn kế nghiệp trở thành chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, ắt hẳn người đẹp họ Đoàn phải… rất đẹp. Có sử liệu chép, năm 1601 bà thứ thất của nhà hào phú Đoàn Công Nhạn hạ sinh một mỹ nữ, cô con gái ấy sau này luôn “định danh” bởi các mỹ từ: khả ái, nhan sắc trời cho, duyên dáng, làn da trắng nõn, mặt hoa da phấn…
Nhưng đọc đến cuốn Nữ lưu đất Việt (NXB Đà Nẵng, 2006) của Lê Duy Anh – Lê Hoàng Vinh, khi các tác giả dẫn các giai thoại rằng sau ngày gặp thuyền rồng chúa Sãi và thế tử, mỹ nữ Đoàn Thị Ngọc dính bệnh đậu mùa (một trong tứ chứng nan y thời đó) dạng nhẹ, kẻ hậu sinh không khỏi… hụt hẫng. Cũng từ giai thoại, lúc được bái kiến ở phủ chúa, chúa Sãi thốt lên một câu (cũng nhằm thử tài mỹ nữ) “Rỗ chằng, rỗ chịt, rỗ chín mười phân” thì đã rõ dung nhan xưa đã bị phương hại nhường nào. Nhưng may thay, cô gái xứ Quảng kịp trổ tài ứng đáp (An nước, an dân, an năm bảy cõi) đã làm đẹp lòng chúa cha. Tất nhiên, đấy chỉ là giai thoại.
Chưa thấy giai thoại nào chê người đẹp “xấu” lại nhẹ nhàng, khúc chiết, có đầy đủ nguồn cơn và mở ra nhiều trường liên tưởng như câu chuyện chúa Sãi “bình luận” về thục nữ họ Đoàn. Khác hẳn với kiểu chê bai vô lối của thời hiện tại, chê cho “nạn nhân” phải… tắt điện thoại và khóa tài khoản mạng xã hội. Do người đẹp thời nay “xấu” hơn, hay do kẻ chê ngày nay không đủ độ lượng?
HỨA XUYÊN HUỲNH