(QNO) - Hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP.Hội An) đã chế tạo thành công cánh tay robot điều khiển bằng sóng não.
Triều, Khải và thầy Lê Thành Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (từ phải sang). Ảnh: THANH THẮNG |
Đôi bạn Trần Công Triều (lớp 12 chuyên Hóa) và Phạm Lê Quang Khải (lớp 12 chuyên Anh) có chung niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đầu năm học này, khi nhà trường thông báo về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2017-2018 do Sở GD-ĐT tổ chức, 2 bạn định hướng chế tạo cánh tay robot.
Triều chia sẻ, tham gia nhiều nhóm cộng đồng, em được tiếp xúc với nhiều trường hợp khuyết tật về đôi bàn tay. Triều được biết ở Quảng Trị đã có một bạn chế tạo thành công cánh tay robot vào năm 2016, nhưng cánh tay này cử động thông qua chân. Đó cũng là nguồn động lực để Triều tiếp tục nghiên cứu sáng tạo cánh tay robot điều khiển bằng sóng não.
“Ban đầu, em cũng nghĩ mình cần nghiên cứu chế tạo một cánh tay robot điều khiển hoạt động nhờ các chi. Nhưng sau tìm hiểu kỹ lưỡng về sinh hoạt và điều kiện cần của người khuyết tật, nếu họ bị liệt hết tất cả các chi thì không thể điều khiển cánh tay robot được, nên em quyết định nghiên cứu chế tạo ra cánh tay robot điều khiển bằng sóng não” - Triều chia sẻ ý tưởng.
Sau khi có ý tưởng, Triều cùng người bạn đồng hành Phạm Lê Quang Khải nghiên cứu cấu trúc và lập trình robot cơ bản trên tài liệu về robot của nước ngoài. Do có vốn từ tiếng Anh khá chuẩn nên Khải phụ trách việc biên dịch tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Triều phụ trách phần nghiên cứu cấu trúc, nguyên tắc hoạt động của robot. Khi có đủ kiến thức về robot, đôi bạn mua linh kiện về lắp ráp.
Cánh tay robot điều khiển bằng sóng não. Ảnh: THANH THẮNG |
“Tất cả linh kiện để chế tạo thành công cánh tay robot em đều tìm hiểu và đặt qua mạng. Vì những linh kiện đó chỉ có ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội nên mua qua mạng là biện pháp tối ưu nhất giúp chúng em tiết kiệm được thời gian” - Triều cho biết. Sau 3 tháng, Triều và Khải đã chế tạo thành công cánh tay robot điều khiển bằng sóng não, có thể cầm, nắm một vật có khối lượng cao nhất lên tới 8kg. Tổng chi phí sản xuất một cánh tay robot này chỉ tốn 5 triệu đồng.
“Nguyên tắt hoạt động của cánh tay robot rất đơn giản, chỉ cần đeo bộ cảm biến Neurosky lên đầu chúng ta thì có thể điều khiển. Các nơ-ron thần kinh của con người phát ra các xung điện khác nhau, cảm biến trong Neurosky sẽ thu nhận các xung điện này và gửi dữ liệu về cho vi điều khiển bằng bluetooth. Sau khi nhận dữ liệu qua bluetooth, vi điều khiển sẽ phân tích, xử lý dữ liệu điều khiển các động cơ và làm cơ cấu hoạt động” - Triều giải thích.
Thầy Lê Thành Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông cho biết, Triều và Khải là 2 học sinh ngoan, học giỏi. Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2017-2018 do Sở GD-ĐT vừa tổ chức, sản phẩm cánh tay robot điều khiển bằng sóng não của 2 em đoạt giải Nhất. “Thời gian tới nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để Triều và Khải tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp sản phẩm cánh tay robot điều khiển bằng sóng não. Đồng thời sẽ hướng dẫn giúp các em định hướng khởi nghiệp liên quan đến các vấn đề về sáng tạo khoa học kỹ thuật” - thầy Vinh nói.
THANH THẮNG