Với đam mê chế tạo máy móc và trăn trở về những khó khăn của nông dân trong sản xuất, anh Phạm Cao Kỳ (SN 1982, quê thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) đã quyết định ở lại TP.Hồ Chí Minh - nơi có đầy đủ điều kiện về nghiên cứu khoa học, để sáng tạo sản phẩm MrVINA.FRAM in-pocket.
Đam mê sáng tạo
Căn nhà của ba mẹ anh Phạm Cao Kỳ ở Quế Sơn là một cơ sở sửa chữa máy móc, cơ khí có tiếng trong vùng. Từ nhỏ đến lớn, anh đã quá quen với những cà lê, ốc vít và mũi hàn. Lúc còn nhỏ, Kỳ thích thú với những mô hình rô bốt. Anh đã chế tạo, gắn các thiết bị động cơ chạy bằng pin hoạt động điều khiển từ xa khiến bạn bè đồng lứa phải trầm trồ. Năm 2003, Kỳ thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Một năm sau, khi đã quen với môi trường kỹ thuật, vừa được học, vừa được thực hành tại chỗ, anh thành lập Câu lạc bộ Khoa học trẻ trong trường đại học. Anh Kỳ và nhóm của mình đã dành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi robocon do nhà trường và TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Tốt nghiệp đại học, anh Kỳ thành lập công ty dịch vụ thiết bị công nghiệp, chủ yếu bảo trì, sửa chữa và xử lý sự cố trong vận hành máy móc ở các nhà máy. “Công việc cứ quay đi quay lại như vậy, mòn mỏi từ ngày này qua ngày khác và đam mê của mình cũng bị lụi tàn từ đó. Đến năm 2009, mình xác định là đã thất bại, thất bại với chính bản thân mình. Nhiều anh em trong công ty bây giờ ngồi lại, định hướng con đường trong tương lai là phải chế tạo ra sản phẩm công nghệ thiên về nông nghiệp để hỗ trợ, phục vụ công việc của người nông dân” - anh Kỳ chia sẻ.
Tuy nhiên, muốn sáng tạo ra sản phẩm phải cần rất nhiều thứ. Ngoài thời gian, kinh nghiệm thì vấn đề tài chính là thử thách lớn đối với anh Kỳ và cộng sự của mình. Để xoay xở, nhóm của anh Kỳ đã đầu quân cho một tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam với vị trí sáng tạo công nghệ thiết bị theo yêu cầu. Cụ thể, nhóm của anh dù được hưởng lương của tập đoàn này nhưng làm việc độc lập theo yêu cầu là chế tạo các thiết bị phụ trợ thay vì tập đoàn đó phải đi mua công nghệ của nước ngoài. Mức thu nhập mà anh Kỳ hưởng được từ tập đoàn này năm 2017 ở vị trí Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển lên đến hơn 450 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm anh và nhóm của mình tách ra thành lập Công ty TNHH Công nghệ MrVINA, Kỳ giữ chức giám đốc công ty. Tháng 10.2018, anh cho ra mắt thị trường sản phẩm khởi nghiệp MrVINA.FRAM in-pocket. Đây là sản phẩm dành cho các hộ sản xuất nông sản vừa và nhỏ, diện tích 2 - 15ha và có thể triển khai được hệ thống tự động hóa ở khâu trồng trọt.
Hướng về quê nhà
Theo anh Kỳ, hệ thống MrVINA.FRAM in-pocket giúp cho nhiều hộ dân chuẩn hóa quy trình trồng nông sản như chế độ tưới tiêu thích nghi theo thời tiết, chăm sóc, bón phân chính xác từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch, tự động hóa hoàn toàn khâu nuôi trồng suốt mùa vụ hay chống trộm qua điện thoại. Cụ thể, với 10ha trồng xà lách, nông dân chỉ cần lắp đặt một bộ duy nhất, chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi bộ. Thay vì phải thuê nhân công tốn khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng, nông dân vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện năng suất lao động. Ưu điểm nổi bật của hệ thống MrVINA.FRAM in-pocket chính là tưới tiêu thích nghi theo thời tiết. Đây cũng là tính năng mà khách hàng ưa thích khi lắp đặt sản phẩm. Nếu nhiệt độ bên ngoài 25 - 320C, MrVINA.FRAM in-pocket có thể thiết lập thời lượng tưới nước 5 - 10 phút, trời mưa thì hệ thống sẽ không tưới. Không chỉ cung cấp sản phẩm, MrFarm còn tư vấn giải pháp, cách xử lý vấn đề khi nông dân gặp sự cố về cây bệnh hay bọ phấn. Hiện tại, hệ thống MrVINA.FRAM in-pocket đang vận hành ổn định tại 7 dự án nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng.
Sản phẩm MrVINA.FRAM in-pocket được ban tổ chức Giải thường nhân tài đất Việt năm 2018 chứng nhận là một trong những sản phẩm sáng tạo của năm. Ngoài ra, chương trình bình chọn Start-up Việt năm 2018 còn đưa sản phẩm MrVINA.FRAM in-pocket lọt vào top 15.
Quyết định khởi nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh vì nơi đây có đầy đủ điều kiện cần về công nghệ thiết bị để công ty phát triển; tuy nhiên, trong suy nghĩ của người con xứ Quảng, anh luôn dành nhiều trăn trở với quê nhà. Hiện tại, hệ thống MrVINA.FRAM in-pocket đã thành công và có thị trường. Anh đang ấp ủ ý tưởng sẽ áp dụng hệ thống này đối với một loại cây trồng phổ biến ở Quảng Nam. Đây là loại cây trồng mà lâu nay người dân ở các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức canh tác nhưng năng suất không cao. Anh Kỳ cho biết sẽ áp dụng hệ thống MrVINA.FRAM in-pocket, chuẩn hóa quy trình chăm bón để tăng năng suất và tiến hành trồng rộng rãi ở Quảng Nam, tìm kiếm thị trường xuất khẩu ở nước ngoài.
“Ngoài ra, MrVINA.FRAM in-pocket cũng cho phép người sử dụng tự động hóa hệ thống chăm sóc hoàn toàn. Thay vì sử dụng dữ liệu trên thiết bị nhớ di động là USB thì nếu vườn ươm có hệ thống mạng không dây Wifi, họ hoàn toàn có thể điều kiển MrVINA.FRAM in-pocket qua điện thoại thông minh. Mất một thời gian dài để tích hợp công nghệ cảm biến, thiết bị điện tử, vi mạch na-no và bộ dữ liệu nông nghiệp để sáng tạo ra MrVINA.FRAM in-pocket, nên chúng tôi muốn người dân có thể tiếp cận và sử dụng rộng rãi thiết bị này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong tương lai” - anh Kỳ cho biết thêm.