Mặc dù tỷ lệ nghèo trên thế giới lần đầu tiên giảm xuống mức 10% vào năm 2015, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo lại nới rộng thêm.Trước thềm hội nghị mùa xuân của Diễn đàn Kinh tế thế giới sẽ diễn ra trong tuần này tại thành phố Davos của Thụy Sĩ, Oxfam - liên minh quốc tế làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới nhằm giúp người nghèo có thể cải thiện cuộc sống và sinh kế, có một tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến họ - sử dụng thông số từ báo cáo của Credit Suisse hồi tháng 10.2015 nhằm kêu gọi lãnh đạo tại Davos giải quyết bất bình đẳng xã hội. Theo Oxfam, hiện tài sản của 62 tỷ phú giàu nhất thế giới ngang bằng với tài sản của một nửa dân số trên hành tinh, tức so với 3,5 tỷ người. Như vậy, tài sản của 62 người giàu nhất thế giới tăng đến 44% trong khi số tài sản của 3,5 tỷ người lại rơi xuống 41%. Hiện khối tài sản của 2 nhóm này ngang ngửa ở mức 1.760 tỷ USD. Năm 2010, phải đến 388 người giàu nhất mới chiếm nửa tài sản thế giới.Khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày càng gia tăng. (Ảnh: forbes)Theo thống kê, 50% số người giàu nhất thế giới đang sinh sống tại Mỹ, số còn lại sống tại nước tại châu Âu, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Nhật Bản và Ả rập Xê-út. Giám đốc điều hành Oxfam - Winnie Byanima nói: “Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng nới rộng và diễn ra tại nhiều nơi, khi mà các nhà lãnh đạo thế giới chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này đúng mức, không thực hiện đúng cam kết hành động mà họ đã hứa”. Ngoài ra, hiện ước tính nhiều chính phủ bị thất thoát hàng trăm tỷ USD tiền thuế mỗi năm mà lẽ ra các nhà giàu có trách nhiệm phải nộp. Số tiền thất thoát đó đủ để cứu sống 4 triệu trẻ em mỗi năm do đói nghèo và bệnh tật, đủ để trả lương cho các thầy cô giáo để giúp tất cả trẻ em châu Phi có cơ hội được đến trường.Số lượng tỷ phú trên thế giới tăng hơn gấp đôi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, khiến sự bất bình đang tiến tới mức đáng báo động. Hệ lụy của nó có thể gây ra bất ổn xã hội, cướp đi cơ hội có cuộc sống tốt hơn của hàng triệu người; tạo gia tăng tội phạm, xung đột, bạo lực, cản trở những nỗ lực chấm dứt đói nghèo. Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Oxfam kêu gọi các chính phủ phá các “thiên đường thuế” để những nhà giàu nhất thế giới thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Bên cạnh đó, gia tăng hoạt động đầu tư các dịch vụ công, cải thiện tiền lương cho người lao động có thu nhập thấp, giảm gánh nặng thuế với người lao động và sử dụng ngân sách để thu hẹp bất bình đẳng thu nhập…NAM VIỆT