Năm 1957 ngay trong lòng địch, phường Hòa Hương (TP. Tam Kỳ) đã hình thành một chi bộ đảng để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, chiến đấu kiên cường làm cho quân thù khiếp sợ, được mệnh danh là Chi bộ Đồng.
Sau khi nhảy vào nước ta, giặc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho nhân dân ta, nhất là khi luật 10/59 ra đời. Mỹ ngụy đã lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại cán bộ, nhân dân ta, trong đó có đồng bào phường 1 (nay là phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Chúng bắt bớ giam cầm, tra tấn, thủ tiêu những người yêu nước dám đứng lên giết giặc giữ làng. Để lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc, từ năm 1957 tại phường 1 đã thành lập chi bộ đảng lấy tên Chi bộ Đồng, gồm những đồng chí đảng viên kiên trung như Nguyễn Thị Kiểm, Nguyễn Thị Ngọc, Bùi Tòng, Phạm Ngọc Dũng. Càng chiến đấu, chi bộ càng lớn mạnh. Đến tháng 4.1963, chi bộ phát triển thêm 4 đảng viên gồm các đồng chí Bùi Lễ, Đặng Thị Liên, Huỳnh Sang, Võ Thị Thọ. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của Tam Kỳ hoạt động hợp pháp ngay trong lòng địch tại phường 1. Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, xây dựng nơi đây thành căn cứ “lõm” có 32 gia đình cơ sở nuôi giấu cán bộ với nhiều cách khác nhau. Có cơ sở nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật, có người giấu ngay trong nhà ở nơi thờ tự mà địch không hề ngờ đến. Chi bộ cũng đã lập được 4 trạm liên lạc và 2 đường giao liên hợp pháp từ Hòa Hương đến Sài Gòn và đến căn cứ xã Kỳ Trà của Thị ủy Tam Kỳ. Đồng thời còn tận dụng con sông Tam Kỳ tổ chức đưa bộ đội qua sông đột nhập vào nội ô đánh địch và chuyển tải lương thực thu được đưa ra vùng cách mạng, đưa vũ khí vào nội ô cho du kích. Đặc biệt Hòa Hương không chỉ là địa bàn hoạt động của các đồng chí trong đội công tác nội ô mà còn là căn cứ hợp pháp của phong trào đấu tranh chính trị, binh vận ở thị xã Tam Kỳ. Ở đây có phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên, tiểu thương, gia đình binh sĩ, bãi khóa, bãi công, bãi thị, chống Diệm - Khánh đàn áp Phật giáo. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch đòi quyền dân sinh, dân chủ; thu thập thông tin tình báo phục vụ cho quân ta đánh địch; bí mật đưa các đồng chí lãnh đạo về cơ sở chỉ đạo phong trào; chuyển lương thực, thuốc men và thanh niên ưu tú ra tiền phương đánh giặc.
Di tích lịch sử cách mạng Chi bộ Đồng trong khuôn viên Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Ảnh: M.SƠN |
Ngay tại địa phương, Chi bộ Đồng cũng đã lãnh đạo nhân dân liên tục tham gia tiến công địch, diệt đồn bốt, phá ấp chiến lược... Điển hình như tham gia trận đánh vào trụ sở xã Châu Thành, nhà máy đèn, bưu điện, cầu đường sắt Tam Kỳ, trụ sở Quốc dân đảng, tỉnh đường Quảng Tín... tiêu diệt nhiều quân địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, thực hiện chỉ thị của cấp trên, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công, nổi dậy đánh địch khắp nơi, đánh bại ý chí xâm lược của quân thù ngay vào trung tâm đầu não Tam Kỳ, tỉnh đường Quảng Tín làm cho chúng hoang mang lo sợ.
Sau trận tiến công mùa xuân năm 1968, quân địch ở Tam Kỳ và tỉnh đường Quảng Tín bị tổn thất nặng nề, chúng điên cuồng đánh phá, đàn áp phong trào cách mạng hết sức ác liệt. Nhiều đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng Chi bộ Đồng vẫn kiên cường bám trụ, tích cực xây dựng và phát triển mạnh mẽ lực lượng, lãnh đạo nhân dân liên tục tiến công kẻ thù, góp phần cùng nhân dân cả tỉnh và cả nước làm nên thắng lợi mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chi bộ Đồng lãnh đạo phong trào quần chúng đã vận động 150 thanh niên tham gia bộ đội, 50 cán bộ thoát ly, 50 thanh niên tham gia du kích B và đội công tác. Vận động tài lực mua nhu yếu phẩm và hàng trăm tấn gạo cung cấp cho cách mạng. Là căn cứ “lõm” nằm ven đô, nơi có dòng sông Tam Kỳ tiếp giáp với sông Bàn Thạch, chi bộ đã có nhiều đóng góp cho việc yểm quân và xuất phát từ đường sông, đường bộ để tiến công đánh hàng trăm trận vào Tam Kỳ.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, nhân dân Hòa Hương dưới sự lãnh đạo của Đảng, rất tự hào đã cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng. Có hàng nghìn thanh niên, cán bộ lên đường đi kháng chiến, tham gia bộ đội, thanh niên xung phong trên các chiến trường. Trong suốt 45 năm, nhiều đồng bào, đồng chí làm cơ sở nuôi giấu cán bộ ngay tại nhà, các đồng chí du kích B, các chiến sĩ trong quân đội bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng không một lời khai báo, tất cả với một tâm niệm “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thật xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. UBND tỉnh đã công nhận xếp hạng di tích lịch sử “Rừng Cửu Toản” - nơi thành lập Chi bộ Đồng.
Ngày nay, Di tích lịch sử cách mạng Chi bộ Đồng nằm tại rừng Cửu Toản xưa, tọa lạc trong khuôn viên Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, là biểu tượng của niềm vinh dự và tự hào của nhân dân Hòa Hương. Thế hệ hôm nay, mai sau của Hòa Hương nguyện viết tiếp trang sử truyền thống trong giai đoạn mới của quê hương.
HỒ MINH SƠN