Kiên trì học tiếng nói của đồng bào để dễ tiếp xúc vận động, tổ chức các hoạt động gắn với công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình... là những sáng kiến đã giúp chị Dương Thị Thiện, người dân tộc Tày, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc công tác chuyên trách dân số ở vùng đồng bào Bhnoong tại xã Phước Năng, huyện Phước Sơn.
CHÚNG tôi đến thôn 2, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, đúng lúc chị em trong thôn đang tham gia trò chơi “Chiếc nón kỳ diệu”, giải đáp những ô chữ liên quan đến chủ đề “Dân số kế hoạch hóa gia đình”. Trước đây, rất thích thú khi được xem chương trình “chiếc nón kỳ diệu” trên đài Truyền hình Việt Nam, nên hôm nay khi được trực tiếp làm người chơi, chị em đều rất phấn khởi, tự tin nói đến vấn đề kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản chứ không còn e dè như trước.
Chị Dương Thị Thiện tuyên truyền, tư vấn về vấn đề dân số, kế hoạch hóa cho chị em Bhnoong. Ảnh: T.SỸ |
Các chị cũng hồi hộp, hấp dẫn qua từng vòng quay ô chữ, rồi ồ lên vui mừng khi những ô chữ lần lượt được mở ra, với những kiến thức mới về các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, hay lợi ích của việc đặt vòng tránh thai, sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại... “Mình vui lắm! Qua trò chơi hôm nay, mình biết được rằng đẻ từ 1 đến 2 con cũng có nghĩa tạo cho gia đình được hạnh phúc, xã hội phát triển. Mình mong các cán bộ quan tâm và tổ chức nhiều cuộc chơi như thế này cho chị em phụ nữ được hiểu biết thêm các kiến thức về gia đình. Mình có 2 đứa con rồi, giờ quyết định không đẻ nữa, để có thể chăm lo cho con học hành tử tế” - chị Hồ Thị La, dân tộc Bhnoong quả quyết nói.
Phước Năng có 100% chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây nhận thức của các chị về việc sinh đẻ có kế hoạch còn rất thấp, nhiều trường hợp vẫn còn quan niệm “sinh con nhiều để sau này đi rẫy, đi nương, phụ giúp gia đình”. Thời điểm từ năm 2000 trở về trước, Phước Năng là xã luôn có mức sinh con thứ 3 trở lên khá cao ở Phước Sơn. Trước thực tế đó, năm 2004, chị Dương Thị Thiện được phân công đảm nhiệm cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Năng. Công việc hàng ngày của chị là đến từng nhà vận động chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hợp lý, quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị còn tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn các cặp vợ chồng từ bỏ hủ tục và quan niệm lạc hậu về sinh đẻ, nhất là những trường hợp sinh con một bề. Đối với những ông chồng người Bhnoong, chị tuyên truyền, vận động họ chia sẻ những khó khăn với người vợ trong việc gia đình cũng như nuôi dạy con cái. “Hồi trước mình cũng thích có con trai, nhưng giờ sinh hai đứa con gái, cán bộ Thiện tuyên truyền, mình hiểu ra rồi, nên giờ vợ chồng quyết định sử dụng thuốc tránh thai và không sinh nữa. Sinh nhiều tội vợ quá!” - anh Hồ Văn Thành, ở thôn 3 chia sẻ.
Gần 10 năm kiên trì, gắn bó không biết mệt mỏi với công tác dân số tại xã vùng sâu, vùng xa Phước Năng, chị Dương Thị Thiện đã vận động được hàng chục ca đình sản. Số cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai ngày càng tăng lên, từ chỗ chỉ 20% năm 2004 đến quý 1.2013 đã là 85%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm đều giảm. |
Tập hợp được đông đảo chị em tham gia các buổi truyền thông, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề đã quyết định không sinh thêm, xây dựng và duy trì thành công 3/5 thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 trong 5 năm liền... đó được coi là những quả ngọt mà nữ cán bộ chuyên trách dân số người dân tộc Tày - Dương Thị Thiện gặt hái được sau gần 10 năm lăn lộn với phong trào dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã vùng sâu, vùng xa của huyện Phước Sơn. Chị Thiện cho biết: “Ngày đầu mới nhận việc, tôi nghĩ rằng chỉ có học tiếng nói của đồng bào, mình mới có thể tiếp xúc, tuyên truyền cho đồng bào. Do đó tôi đã học thành thạo tiếng Bhnoong ở đây, rồi kiên trì tuyên truyền, một lần không được thì đi lần 2, lần 3.... Không chỉ đến tận nhà, gặp anh chị em Bhnoong ở bất kỳ đâu tôi cũng nói chuyện về vấn đề thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.
Chị Thiện cho hay, khi vận động bà con, cần phải phân tích cho họ thấy, cuộc sống bây giờ không giống như ngày xưa có thể ăn sắn, ăn khoai. Bây giờ quan trọng là chăm lo chuyện học hành, tương lai của con cái nên không thể đẻ nhiều. Hiểu ra điều đó nên nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận đặt vòng, hoặc dùng các biện pháp tránh thai bằng thuốc uống, thuốc tiêm. “Về khâu truyền thông tại địa bàn, chị Thiện cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm, ví dụ như truyền thông nhóm, lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ tại thôn. Nhờ đó, trong nhiều năm qua giữ được 3 thôn của xã không có trường hợp sinh con thứ 3. Trong nhiều lần hội nghị, tập huấn ở huyện, chúng tôi đã tổ chức cho cán bộ chuyên trách dân số các xã khác học tập cách làm của chị Thiện để vận dụng tại địa phương mình” - bà Đinh Thúy Mai, Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Phước Sơn cho biết. Với những thành quả đạt được, điều mà chị Thiện vui nhất là mình đã dần thay đổi nhận thức của đồng bào Bhnoong, góp phần làm cho đời sống của người dân nơi đây ngày càng nâng cao từ việc kế hoạch hóa gia đình.
TẤN SỸ