Chị tôi

Tạp bút của HOÀNG NHẬT TUYÊN 19/04/2015 08:00

Dạo ấy, chị lên mười tám, em mới mười hai.

Mỹ đổ quân vào miền Nam hơn hai năm thì quê mình đã bị biến thành vành đai trắng. Đêm bom tọa độ, pháo bầy, ngày Mỹ càn, ngụy quét. Chiến tranh ngày ấy sao mà khốc liệt đến thế. Từ lâu, nhà cửa, trường học bị giặc đốt sạch, ngôi đình cổ kính, rêu phong cũng cháy trụi, chỉ còn chơ vơ mấy cây cột to đã biến thành than và lâu ngày một vài trụ đã thành nơi leo bám của loại dây bìm bìm. Vườn cây, bờ tre, xóm dưới, làng trên, tất cả đều xơ xác. Đồng ruộng bỏ hoang, nhiều nơi cỏ mọc quá đầu người.

Minh họa: NGUYỄN DŨNG
Minh họa: NGUYỄN DŨNG

Ba được phân công công tác ở vùng sâu, rất xa; chị lại vào du kích xã, phải lo toan bao việc, ngược xuôi. Khi địch đến cũng như các anh chị du kích khác, chị phải vội vã ra đi. Lúc quần với quân Mỹ ở đầu làng, lúc nấp bên bờ mương cuối làng để đánh nhau với ngụy.

Cũng giống bao gia đình khác, nhà mình ngày ấy, sống quanh quẩn bên chiếc hầm sâu nằm dưới bờ tre. Đó là chiếc hầm vào mùa mưa nước chảy thành dòng như con suối nhỏ phía dưới những tấm ván dày mà đêm đêm mọi người nằm ngủ. Trên trần hầm những chiếc rễ tre tua tủa mọc, từng chùm. Mẹ thân gầy, một mình lam lũ với mấy đứa con nheo nhóc. Bữa ăn đầy sắn lát nhưng chúng em chẳng có  bữa nào no. Lớn, bé thiếu muối nhiều ngày nên đứa nào da cũng xanh xao, vàng vọt.

Em nhớ hoài những lần chị về, lần nào cũng giống lần nào, tháo khẩu súng carbin khỏi vai, móc vội bên cửa hầm và chị cầm cuốc ra vườn. Chỗ này trồng rau. Chỗ kia trồng sắn… Mỗi lần nghỉ tay, nhìn em, chị dặn: Em của chị lớn rồi, bom đạn nhiều, đừng chạy lông bông, lo làm việc này việc kia, giúp mẹ! Có lần chị về trong đêm, mang theo mấy bộ đồ nhà binh của Mỹ bị bộ đội ta đánh, bỏ lại ở chiến trường. Bào những bẹ thơm, lấy chỉ, bên ngọn đèn dầu, chị ngồi, cắt cắt, khâu khâu, cặm cụi làm cho chúng em những chiếc áo để chống lại những cơn gió lạnh mùa đông đang ùa tới.

Có những buổi trưa, một mình chị lúi húi tát cạn cái ao, và mấy đứa em, đứa nào mắt cũng tròn xoe mừng rỡ, vì lâu lắm rồi mới nghe mùi cá nướng thơm thơm. Có bữa, trên đường công tác trở về, chị mang theo rất nhiều cải tàu bay. Thiếu gạo cả nhà ăn rau nhưng ai cũng cười vì đang đói mà, vì ngoài đồng đang mùa nước lụt.

Có lần, gửi mua được nhắm muối hạt tận dưới vùng sâu, giữa hai trận càn, chị chạy vội ngang nhà, khẽ nói: Nhớ để dành, vì sắp đến, Mỹ sẽ đánh phá nhiều và chiến trường ngày sẽ ác liệt hơn!

Có lần, em nhớ hình như vào độ tháng mười, nước lụt vừa rút xong, song sông Thu Bồn và các khe suối vẫn còn đầy nước. Đúng vào dịp ấy, cả đàn máy bay địch vào lúc sáng sớm đã bất ngờ đổ quân. Đám chận đầu thôn. Đám chận cuối thôn. Chị giục chúng em xuống hầm, và bảo:

- Chúng nó lại càn rồi!

Nói xong chị cầm súng, vội vã chạy theo mấy anh du kích xã. Súng nổ rân trời, rồi chẳng mấy chốc, đám lính biệt động quân tràn vô làng mình. Bà con trong làng đều bị lùa ra cái hóc ruộng nhỏ.

- Bọn du kích trốn ở đâu?  

Câu hỏi bật ra từ những khuôn mặt hung dữ và lạnh lùng. Câu hỏi dành cho từng người dân trong làng. Em bị một tên lính biệt động mặc đồ rằn ri bắt ra, đứng riêng bên bờ ruộng và gí con dao găm sắc nhọn vào bụng. “Mày biết hầm bí mật của bọn du kích phải không?”. Người em lạnh toát trước mũi dao nhoi nhói và câu hỏi lặp đi lặp lại.

Nhưng em chỉ lắc đầu, dù rằng em đoán, có thể các anh, các chị đang trốn ở cái hầm hoang dưới bờ tre trên đồi Bông Giang, căn hầm mà có lần, vào buổi trưa, đi bắt tổ chim dồng dộc, tình cờ em phát hiện.

Có lẽ phát chán vì những cái lắc đầu, cũng có thể nghĩ rằng em chẳng biết gì nên tên lính dọa dẫm một lúc liền thả em ra. Ai ngờ, lần ấy, các anh chị bị đuổi nột quá đã chui vào cái hầm hoang trên đồi. Đến tối, khi địch rút, lên khỏi hầm, nghe kể lại, ai nấy vui mừng. Riêng chị, chị đã ôm em vào lòng, nước mắt rưng rưng, rồi hỏi: “Em của chị muốn thưởng thứ gì?”. Em cười, xin được bắn thử khẩu súng của chị một lần, nhưng chị lắc đầu, bảo em: không thể, súng đang thiếu đạn.

Em nhớ hoài có lần chị về mang theo cuốn sách giáo khoa cũ nhàu, không rõ ai cho, chị nhìn em trìu mến: “Em xem, và bày cho mấy đứa cùng học, biết đâu mai này…” .

Ruộng vườn càng ngày càng chi chít hố bom. Xe tăng, xe bọc thép của giặc tràn qua, lướt lại. Máu lại đổ sau những bờ tre và những trận chống càn lại liên tiếp diễn ra. Cả nhà mình lùi dần, lùi dần và cuối cùng để tránh giặc, đành dắt díu nhau vào tận rừng sâu, khi cuốn sách chị trao em chưa đọc hết. Trên ngọn núi cao, bốn bề là rừng cây dày đặc, chị dạy em cách đào củ mài và hái cây môn thục. Có lần thấy em buồn, chị xoa đầu an ủi: Cố lên em! Chiến tranh sắp hết, ba sẽ về, và chị cũng về!”.

Nhưng ba không về. Rồi chị cũng vĩnh viễn không về.

 Chị ra đi trong một buổi chiều lực lượng của ta suốt mấy giờ liền, quần nhau với địch, khi mà cả nhà mình nước mắt chưa khô do mới nhận được tin ba hy sinh cũng trong một trận địch càn…

Dạo ấy chị  lên mười tám, em mới mười hai.

Em vẫn còn nhớ chị có mái tóc dài phủ xuống tấm lưng thon đen nhánh, và cứ mỗi lần gội đầu chị lại chỉ tay lên cây bồ kết, nhờ em.

Dạo ấy chị lên mười tám, em mới mười hai.

Đại Thạnh quê mình giờ đổi thay rất nhiều. Còn em, đứa em bé nhỏ của chị ngày xưa giờ đây tóc trên đầu đã phủ nhiều sợi bạc. Vào ngày kỷ niệm quê hương giải phóng, hôm nay, em về. Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà với lớp lớp mộ bia giăng hàng và chị đang nằm ở đó, cùng đồng đội - những chị, những anh, những người mà ngày xưa em từng quen, từng biết.

Ngoài kia, sông Thu Bồn vẫn trong xanh và giữa cơn gió chiều, mặt sông gờn gợn sóng. Những căn hầm trốn bom dưới bờ tre in đậm trong ký ức em giờ không còn nữa. Đâu đó, trên cao một chú chim gõ kiến gõ những tiếng cộc cộc vào thanh cây khô nghe rất yên bình.

Em thắp nén nhang. Khói vờn trong gió. Thương chị vô vàn nhưng biết nói gì đây. Thẫn thờ một mình, và  cuối cùng, em chỉ biết gọi:

- Chị ơi!

Tạp bút của HOÀNG NHẬT TUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chị tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO