Từ hưởng lợi nguồn tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ, người dân và cộng đồng dân cư đã bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn; và quan trọng chính sách đã từng bước vận dụng sát thực tế, nhất quán nhờ hệ thống giám sát chặt chẽ.
|
Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân giữ rừng có trách nhiệm hơn. TRONG ẢNH: Đồng bào Cơ Tu trong chuyến tuần tra rừng tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn. Ảnh: TR.HỮU |
Minh bạch thu - chi
Là đơn vị nhận ủy thác thu - chi tiền DVMTR, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hiện hành theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ. Từ kẽ hở trong việc giao khoán bảo vệ rừng tại các chủ rừng lớn là ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, đơn vị đã tăng cường công cụ kiểm tra, giám sát.
Do thời gian trước đây thực hiện thí điểm nên các địa phương mỗi nơi làm mỗi kiểu, khiến chính sách triển khai thiếu thống nhất và đồng bộ. Nguồn tiền chi trả DVMTR có nơi chậm đến tay người dân; các mô hình giao khoán rừng hiệu quả như thế nào chưa được đánh giá toàn diện.
Ngành nông nghiệp nhìn nhận, trách nhiệm của chủ rừng, của địa phương trong công tác phối hợp, quản lý bảo vệ rừng còn thiếu sót, chưa chặt chẽ, khiến rừng bị xâm hại. Đây chính là khoảng trống trong công tác quản lý và thực hiện chính sách giao cho nhóm hộ nhận giao khoán rừng ở miền núi.
Vì vậy, giữa tháng 6.2018, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tổ chức tập huấn với sự tham gia của 12 chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và cơ quan Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Nội dung chính thông tin về những điểm cần lưu ý trong Thông tư số 22 của Bộ NN&PTNT về cách thức chi trả DVMTR.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã chủ trì xây dựng bản đồ chi trả DVMTR; xác định được diện tích chi trả; ký hợp đồng với bên sử dụng đối với diện tích cung ứng DVMTR trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính của tỉnh; tiếp nhận tiền, chi trả cho bên cung ứng DVMTR...
Vì trục lợi chính sách mà không ít cán bộ bảo vệ rừng đã vào vòng lao lý. Gần đây nhất, năm 2017, Công an Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đoàn Tất Chẩn (SN 1959, nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh) cùng cán bộ trong đơn vị là ông Trần Đồng - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật và bà Nguyễn Thị Bích Nhung - nguyên Kế toán trưởng cùng về hành vi lập chứng từ khống liên quan đến kinh phí giao khoán bảo vệ rừng để chiếm đoạt gần 800 triệu đồng... |
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã ký hợp đồng với 19 đơn vị sản xuất thủy điện có lưu vực nội địa, gồm thủy điện Đại Đồng, An Điềm, An Điềm 2, A Vương, Phú Ninh, Khe Diên, Sông Kôn, Trà Linh 3, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Cùng, Za Hung, Tà Vi, Trà My 1 - Trà My 2, Duy Sơn 2, Đắc Sa và A Vương 3.
Ngoài ra, đơn vị còn ký hợp đồng với 6 đơn vị sản xuất nước sạch. Theo ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, các nguồn thu - chi đều thực hiện công khai, minh bạch, đúng với quyết định phê duyệt kế hoạch.
Qua 5 năm, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí gần 74 tỷ đồng lập đề án chi trả DVMTR; hỗ trợ lập hồ sơ giao khoán chi tiền; hỗ trợ các hạt kiểm lâm, UBND các xã tham gia chi trả; hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; bố trí kinh phí cắm mốc ranh giới 3 loại rừng và hỗ trợ trồng rừng thay thế.
Với số tiền gần 95 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015 chưa có đối tượng để chi, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Quảng Nam sử dụng số tiền DVMTR đó để thực hiện các nội dụng liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Giữ rừng có trách nhiệm
Có trữ lượng gỗ quý dồi dào bởi cánh rừng Trường Sơn trùng điệp, nhưng những năm qua, Tây Giang là địa phương ít chảy “máu rừng” nhất ở khu vực miền núi Quảng Nam.
Điển hình như ở xã biên giới Tr’Hy - nơi được hưởng chính sách DVMTR. Sau khi khảo sát thực địa, xác định ranh giới, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương giao hơn 5.000ha cho 13 nhóm hộ thuộc các thôn của xã Tr’Hy quản lý. Đều đặn mỗi tháng 3 lần, nhóm hộ nhận bảo vệ rừng luân phiên tuần tra, kiểm soát mọi cửa ngõ ra vào rừng.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung (quản lý lâm phận các xã Tr’hy, A Xan, Lăng, Ch’Ơm và Ga Ry), đơn vị thường xuyên phối hợp với các địa phương thực hiện, giám sát việc chi trả DVMTR. Đồng thời cắt cử cán bộ bám sát cơ sở, tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng tại thôn bản qua các đợt chi trả DVMTR, để người dân thấy được trách nhiệm của mình trong quản lý bảo vệ rừng. Nhờ có chính sách chi trả DVMTR mà nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng cao.
Nguồn lực tài chính dồi dào, cùng với chủ trương “đóng cửa rừng” từ lâu nên người dân đã bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn. Quảng Nam đang có hơn 410 nghìn héc ta rừng cần quản lý bảo vệ, nếu không có DVMTR, nguồn ngân sách của tỉnh chỉ đủ phân bổ chi cho quản lý bảo vệ 30 nghìn héc ta. Tuy nhiên nhờ chính sách DVMTR, hiện tỉnh chi trả bảo vệ rừng cho hơn 282 nghìn héc ta. Ngoài ra, từ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ, mỗi héc ta rừng tự nhiên còn được hỗ trợ 400 nghìn đồng/năm.
Những bất cập trong thực thi chính sách DVMTR đã được ngành nông nghiệp và chính quyền tỉnh xử lý căn cơ bằng hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình giao khoán rừng. Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Huỳnh Đức khẳng định: “Tuy một số nơi vẫn còn xảy ra phá rừng, nhưng nhìn chung diện tích đã giao khoán được bảo vệ rất tốt. Dòng tiền chính sách chi trả kịp thời, đúng mục đích, đối tượng nên cộng đồng dân cư giữ rừng có trách nhiệm hơn”. Tính đến nay, Quảng Nam đã chi hàng trăm tỷ đồng cho 210 nhóm hộ (3.100 hộ) và 1 cộng đồng, các ban quản lý rừng tự bảo vệ nhận khoán với tổng diện tích hơn 75.357ha theo chính sách DVMTR.
TRẦN HỮU