Chia sẻ, động viên doanh nghiệp

Việt Nguyễn 07/08/2019 10:40

Ngày 6.8, chủ trì buổi tiếp xúc với Công ty CP Đầu tư L.I.F.E và Công ty CP Trung Tây Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã trao đổi, động viên doanh nghiệp vượt khó để triển khai dự án hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng phát biểu chia sẻ khó khăn, động viên doanh nghiệp. Ảnh: QUANG VIỆT
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng phát biểu chia sẻ khó khăn, động viên doanh nghiệp. Ảnh: QUANG VIỆT
Nhiều đề xuất

Công ty CP Đầu tư L.I.F.E  là chủ đầu tư dự án hệ thống trường chất lượng cao Sky-line (Sky-line Hill) tại Hà My Đông A (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn). Hiện nay, dự án đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đã tiếp nhận mặt bằng sạch từ các cơ quan chức năng của thị xã Điện Bàn. Bà Lê Thị Nam Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư L.I.F.E đề xuất UBND tỉnh bổ sung dự án vào danh mục sử dụng đất năm 2019 để thực hiện tiếp các phần việc còn lại. “Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành chào thầu để có thể đầu tư xây dựng công trình. Doanh nghiệp tâm huyết với dự án này và mong triển khai sớm để có thể hoạt động từ năm học 2020 - 2021. Nếu dự án triển khai trễ 1 tháng thì kế hoạch cho cả năm học có thể phải dừng lại. Mong UBND tỉnh tiếp sức, giúp chúng tôi thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng sau khi đã hoàn thành thẩm định thiết kế cơ sở” - bà Phương nói.

Công ty CP Trung Tây Nguyên đã tiến hành đấu thầu và trúng thầu công tác khảo sát, lập dự án cho 6 dự án giai đoạn 2009 - 2011 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng là các cầu trung, lớn trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 140km. Các chủ đầu tư của 6 dự án này là thị xã Điện Bàn, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, huyện Đại Lộc (đều có cùng 1 dự án) và Sở Giao thông vận tải với 2 dự án. Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Công ty CP Trung Tây Nguyên cho biết, các cơ quan ở Trung ương và tỉnh đã có 8 quyết định, thông báo, đây là cơ sở pháp lý để lập dự án. Sau khi công ty đã nghiệm thu kỹ thuật, chuẩn bị trình cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt dự án thì... dừng lại. Nhưng các dự án hiện nay chưa có chủ trương dừng dự án của các cơ quan quyết định đầu tư. Niên độ tài chính kế toán đã kéo dài 10 năm. Trong khi đó, mã số đầu tư dự án chưa có. Lưu trữ hồ sơ bị thất lạc. Các cọc mốc ở hiện trường không còn. “Công ty đã thua lỗ, nợ nần chồng chất trong thời gian qua khi 6 dự án không thể tiếp tục triển khai khảo sát, lập dự án. Công ty mong các cấp chính quyền của tỉnh tạo điều kiện để thực hiện các dự án khác trên địa bàn tỉnh, qua đó trang trải nợ nần trong thời gian qua. Đối với các phần việc khảo sát, lập dự án trước đây, công ty không ghi nợ và Nhà nước không chi trả các chi phí đã thực hiện” - ông Thương nói.

Động viên doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, đề xuất của Công ty CP Đầu tư L.I.F.E là rất chính đáng, cho thấy doanh nghiệp rất nỗ lực, khẩn trương triển khai dự án. Cách giải quyết của UBND tỉnh là không thể chậm trễ, không chờ đến các kỳ họp vào tháng 9 và tháng 12 của HĐND tỉnh mới đem ra bàn bạc. Theo đó, Sở TN&MT cần nhanh chóng rà soát trong số 8 dự án của các địa phương đề xuất bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019, có dự án này hay chưa. Nếu có rồi thì trong phạm vi 10 ngày, có báo cáo để UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019, giúp Công ty CP Đầu tư L.I.F.E triển khai các phần việc còn lại của dự án, nhanh chóng hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động. Nếu thị xã Điện Bàn chưa đề xuất đưa dự án bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019 thì trong vòng 7 ngày, phải có báo cáo đề xuất để Sở TN&MT thực hiện các thủ tục tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh thông qua để doanh nghiệp tiến hành tiếp các bước của dự án.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, khi triển khai khảo sát, lập dự án, Công ty CP Trung Tây Nguyên đã không ký kết hợp đồng với các chủ dự án nên không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, do đó không thể xử lý, hỗ trợ rủi ro, thiệt hại của doanh nghiệp. “Đối với thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, các công ty đều phải thực hiện theo quy trình, trình tự, thủ tục rõ ràng, công khai, minh bạch. Nếu đủ năng lực và các điều kiện khác, Công ty CP Trung Tây Nguyên có thể thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật” - ông Đặng Phong nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, Công ty CP Trung Tây Nguyên phải dừng phần việc khảo sát, lập dự án cho 6 dự án lớn trước đây có nguyên nhân khách quan. Thời điểm 2010 - 2011, do tình hình chung của đất nước là lạm phát rất cao, chi phí lãi vay lúc đó lên đến hơn 23% nên Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 để các cơ quan, địa phương rà soát lại tất cả dự án, thu hồi lại các nguồn vốn đã bố trí dự án. Nguồn vốn 85 tỷ đồng đã bố trí cho 6 dự án lớn do Công ty CP Trung Tây Nguyên khảo sát, lập dự án đã thu hồi lại, không có nguồn giải ngân nên các phần việc không thể tiếp tục. “UBND tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn, tiếp sức doanh nghiệp thực hiện thuận lợi các dự án. Công ty CP Trung Tây Nguyên cần vượt khó, nếu có nguyện vọng, muốn gắn bó với quê hương thì tỉnh và các ngành chức năng luôn hỗ trợ tích cực” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ, động viên doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO