Miệt mài, lặng lẽ với những chuyên án là các đối tượng truy nã, những cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Quảng Nam đã góp công lớn trong đấu tranh trấn áp tội phạm.
KHI chúng tôi đến, Phòng PC52 vừa di lý đối tượng truy nã Nguyễn Chánh Thi (SN 1965, quê thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) từ phường Láng Dài (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) về đơn vị sau hơn 20 năm đối tượng này lẩn trốn. Năm 1992, Thi trộm 5 chỉ vàng tại huyện Quế Sơn và bị công an bắt. Trong thời gian chờ xét xử, Thi cùng một số đối tượng khác khoét tường bỏ trốn khỏi nơi tạm giam. Đại tá Trần Anh Quân - Trưởng phòng PC52 cho biết, riêng trong đợt tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, cán bộ, chiến sĩ công an toàn tỉnh đã bắt, vận động đầu thú 44 đối tượng truy nã. Trong đó, PC52 đã bắt, vận động đầu thú 31 đối tượng.
Thượng úy Lê Minh Vân (PC52) kiểm tra hồ sơ chuẩn bị cho chuyên án mới. Ảnh: X.NGHĨA |
Nhớ lại lần vào TP.Hồ Chí Minh bắt Nguyễn Thị Ngọc (Duy Xuyên) vào năm ngoái, Thượng tá Lê Tự Pháo - Phó Trưởng phòng PC52 kể, lúc tổ công tác vừa xuất hiện tại nhà và cất giọng Quảng đặc sệt, Ngọc buột miệng: “Tôi biết rồi cũng có ngày hôm nay”. Đến lúc này, chồng và 2 con của Ngọc mới hay biết quá khứ lỗi lầm của người thân mình. Ngọc khai rằng, trước khi gặp người chồng hiện tại, cô phải đi bán vé số dạo để kiếm sống. Trong quá trình trốn chạy, điều khiến Ngọc đau khổ nhất là nỗi nhớ con. Khi con khôn lớn, Ngọc đã tìm cách liên lạc, gọi con đến nhà chơi nhưng không dám nhận mình là mẹ ruột. Ngọc cũng vô cùng ray rứt là khi mẹ ruột mất, Ngọc không thể về quê để tang. Thượng tá Lê Tự Pháo bảo đây là trường hợp mà PC52 chưa từng gặp, bởi đối tượng bị tầm nã là một bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Mỗi tuần, Ngọc phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo để lọc máu 3 lần, sức khỏe rất kém. Sau khi kiểm tra hồ sơ, làm việc với bệnh viện nơi Ngọc đang điều trị, tổ công tác xác định việc bắt giữ, di lý về Quảng Nam có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đối tượng. Lãnh đạo Công an Quảng Nam chỉ đạo tạm thời không bắt giữ Ngọc, giao đối tượng cho gia đình quản lý và nhờ chính quyền địa phương giám sát. Hồ sơ Nguyễn Thị Ngọc được bàn giao cho các cơ quan chức năng để xem xét hoãn thi hành án.
Chiến công đặc biệt của Phòng PC52 là bắt đối tượng truy nã Đặng Hữu Tuấn phạm tội giết người theo quyết định truy nã của Cơ quan CSĐT Công an Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Năm 1983, do mâu thuẫn cá nhân, Tuấn đã dùng súng bắn chết người. Sau khi gây án, Tuấn bỏ trốn khỏi địa phương. Công an tỉnh ra lệnh truy nã và tiến hành xác lập chuyên án. Qua công tác xác minh, cơ quan công an phát hiện Tuấn làm chứng minh nhân dân đổi tên thành Đặng Quang Tường, đăng ký lưu trú tại xa lộ 25, phường Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nhưng sinh sống tại 29/29/7 Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Lúc 16 giờ ngày 16.1.2013, Tổ công tác của Phòng PC52 đã phá thành công chuyên án, bắt được Tuấn sau 30 năm bỏ trốn. Một chiến công khác: bắt đối tượng truy nã Đỗ Khánh phạm tội giết người theo quyết định lệnh truy nã của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang vào năm 1989 cũng là một thành tích nổi bật của Phòng PC52. Với quyết tâm bắt được đối tượng, trinh sát PC52 tiến hành mật phục nhiều ngày đêm tại vùng rừng xã Đại Chánh (Đại Lộc). Ngày 25.1, Tổ trinh sát PC52 đã bắt được đối tượng sau 24 năm bỏ trốn và đã bàn giao cho PC52 Công an tỉnh Kiên Giang tiếp nhận, xử lý.
Đại tá Phan Ngọc Ngự - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam khẳng định: “Những chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ PC52 đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban Giám đốc Công an tỉnh giao phó trong đấu tranh trấn áp tội phạm, đem lại niềm tin cho nhân dân”.
XUÂN NGHĨA