Chiến công thuộc về nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 21/12/2015 09:06

  • Chiến công thuộc về nhân dân
  • Chiến công thuộc về nhân dân

Tháng 9.1968, Thanh Khối được lệnh ra miền Bắc dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc kết hợp an dưỡng, chữa trị vết thương tái phát. Ngày ra đi, một mình Thanh Khối ra núi, quay mặt về hướng nam Tam Kỳ, hướng có núi Chúa - hòn Rơm, nơi có quê hương Kỳ Sanh, có gò Cây Sơn là vườn nhà cha mẹ, cúi lạy bái biệt. Đầu năm 1969, sau Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Thanh Khối được đến thăm Bác Hồ. Bác nói với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cần cho các chiến sĩ học thêm văn hóa, phải đào tạo mới có những cán bộ quân đội toàn diện được.

Lúc này Mỹ leo thang đánh bom dữ dội các tuyến đường sắt, đường bộ, bến cảng, sân bay, các khu công nghiệp trọng điểm, thậm chí thả bom trúng vào trường học, bệnh viện... Ở các vùng nông thôn xa thành phố, xa những tuyến đường huyết mạch khá vắng lạnh, vì thanh niên trai trẻ đều đi bộ đội vào Nam. Các cô thôn nữ, dân quân rất quý bộ đội từ chiến trường miền Nam ra. Thanh Khối cũng đã hai bảy, hai tám tuổi, cao to đẹp trai, mang trên vai quân hàm thượng úy, là mẫu hình lý tưởng của các cô gái thời chiến chinh. Nhưng không thể, đất nước còn chìm trong cảnh chiến tranh, chết chóc; nghĩa vụ, sứ mệnh là cái “niềng kim cô” siết chặt trái tim người chiến sĩ. Thanh Khối xin được trở lại chiến trường.

Sau khóa đào tạo ngắn hạn, Thượng úy Nguyễn Thanh Khối nhận nhiệm vụ đặc phái viên Bộ Tư lệnh Đặc công. Từ Hà Nội, Thanh Khối vào bờ bắc Bến Hải phối hợp với lãnh đạo Tiểu đoàn Đặc công 33 thuộc Sư 305, chuẩn bị chiến trường rồi trực tiếp tham gia đánh diệt gọn 2 đại đội Mỹ đóng ở đồn Đầu Mầu, đồn Ái Tử nằm trên tuyến phòng thủ phía nam Bến Hải. Sau hai trận này, Bộ Tư lệnh Đặc công điều ông sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6. Lúc này ông thực sự trở thành lính “cơm Bắc giặc Nam”. Nghĩa là sau vài trận chọi nhau với giặc ở chiến trường Quảng Trị, ông lui ra phía bắc Bến Hải luyện tập, chỉnh quân, nghỉ ngơi rồi quay lại đánh tiếp.

Trong khi đi khảo sát chiến trường Quảng Trị với tư cách là đặc phái viên của Bộ Tư lệnh Đặc công, Thanh Khối nảy ra ý định đánh kho xăng Đông Hà. Vừa nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, ông liền đề xuất đánh kho xăng này. Từ chỉ huy sở tiểu đoàn ở phía đầu nguồn Bến Hải, ông dẫn theo ba người xuống ẩn mình tại một hóc núi cạnh bờ sông Muồng Rào, cách kho xăng Đông Hà độ sáu bảy cây số. Đêm đêm Thanh khối dẫn tổ ba người vượt bảy cây số tiếp cận hàng rào kho xăng. Kho xăng này tiếp ứng nhiên liệu cho chiến trường vùng giới tuyến, nên địch bố trí đến 27 hàng rào bảo vệ. Thanh Khối đã mật tập cả mấy chục đồn bốt, nhưng chưa bao giờ gặp chiến lũy bố phòng kiên cố như thế. Tuy nhiên, các lớp hàng rào này đã cũ, bùng nhùng, rào thẳng, rào mái nhà đều đã sắt gỉ, các thao tác vượt rào, vô hiệu hóa mìn có phần dễ hơn. Khi xâm nhập, cả tổ gặp một trở ngại chưa tính trước được. Các đồng chí ở đài quan sát báo có 7 khu bồn xăng, nhưng các ông chỉ tìm được 5 khu. Mò vô rất nhiều lần vẫn cho một kết quả như vậy. Đêm thứ sáu, khi quay ra đến hàng rào thứ mười tám, thấy một lùm cây, chính giữa có một cây thẳng đứng, gốc to bằng bắp đùi, tỏa nhánh, Thanh Khối lệnh cho ba đồng chí dừng lại: “Mình quyết định nằm lại đây, ở đây cả ngày mai, tối vào trở lại kiếm cho được hai khu kho kia. Không thể chuẩn bị chiến trường sơ sài được. Một anh có ý kiến: “Thủ trưởng lệnh chúng tôi chấp hành, nhưng nhịn đói một ngày hai đêm chịu sao nổi”. “Yên trí, tối mai sẽ có cơm ăn” - Thanh Khối quả quyết.

Cả tổ ngụy trang nằm lại. Hôm sau, càng về trưa càng nóng, bụng đói, khát nước, nhưng cố chịu. Đúng 12 giờ, Thanh Khối quan sát, nghe ngóng rất kỹ động tĩnh của địch, cẩn thận leo lên cây, ở cự ly gần anh nhìn rất rõ hai khu kho nằm sâu dưới chỗ lõm, khi ở nơi đất bằng bị che khuất tầm nhìn. Đến tối các ông mò trở vào. Thanh Khối bấm nhỏ: “Vào khu doanh trại trước, không vội chi tìm hai khu kho kia”. Đến sát doanh trại, thấy bọn lính tập trung xem phim, các ông ẩn mình coi thử. Xem phim được một chặp, ông Khối nói khẽ: “Cứ ngồi xem phim, tôi đi tìm cơm”. Trong khi bọn lính chăm chú xem phim, Thanh Khối lần đến khu nhà bếp. Mò trúng nồi cơm, ông quơ vắt một cục lớn, lấy miếng giẻ lau nồi bọc lại. Tiếp cái chảo khác, thấy nước, nhấm thử có vị đậu đen rang, sẵn bình đông ông vục đầy luôn. Sau độ 15 phút quay lại, không muối không mắm mà bốn người ăn thiệt ngon. Uống nước xong, các ông tiếp cận mục tiêu còn lại. Tất cả đều như ý, sáng hôm sau các ông về đơn vị ở đầu nguồn Bến Hải báo cáo tình hình, xin ý kiến.

Đã chuẩn bị chiến trường cẩn thận thì việc đánh cháy các bồn xăng là chuyện dễ dàng. Tổ của Thanh Khối đã thành thục địa hình, đeo đầy thủ pháo, mỗi người khoác một tiểu liên AK trở lại phía sông Mường Rào. Mặt trời vừa lặn, từ hóc núi sông Mường Rào, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 - Nguyễn Thanh Khối trực tiếp chỉ huy phân đội xuất kích. Đêm ấy các ông tiếp cận đúng bảy khu kho rồi lặng lẽ vượt rào trở ra. Đúng 10 giờ đêm, thủ pháo nổ vang rền, kho xăng Đông Hà trở thành biển lửa rực sáng cả một vùng giới tuyến. Trận đánh kết thúc thắng lợi, các chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 6 “cơm Bắc giặc Nam” trở lại đầu nguồn Bến Hải an toàn.

Đầu năm 1971, Thanh Khối đang kiểm tra và chữa trị vết thương tái phát tại Bệnh viện 108 Hà Nội, đột nhiên có thủ trưởng Quang - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Đặc công đến hỏi thăm sức khỏe. Sáng hôm sau có một chiếc xe U oát đến chở ông vào chiến trường. Lái xe có giấy công lệnh hỏa tốc ưu tiên vượt phà, chạy suốt một ngày một đêm đến Chỉ huy sở Tiểu đoàn 6, đóng trong một khu rừng ở bờ nam Bến Hải. Đến nơi lập tức nghe đồng chí Chí phụ trách Tiểu đoàn 6 trong thời gian Thanh Khối đi viện 108 cùng với Chính trị viên Oanh trao đổi lại tình hình chuẩn bị chiến trường đánh sân bay Tà Cơn.
Sân bay Tà Cơn là cứ điểm cứng nhất, là trung tâm của toàn bộ tuyến phòng thủ Khe Sanh thuộc quận Hướng Hóa, Quảng Trị nằm ở vùng tam giác của giới tuyến 17 và biên giới Lào - Việt đã bị quân giải phóng đánh bứt rút từ giữa năm 1968 trong chiến dịch nổi tiếng Khe Sanh. Đầu năm nay, quân lực Việt Nam Cộng hòa được sự yểm trợ của quân Mỹ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đổ quân chiếm đóng lại làm căn cứ. Chúng muốn biến nơi này thành bàn đạp vượt biên giới sang Lào đánh phá, cắt đứt đường Hồ Chí Minh, hòng lập lại phòng tuyến hùng mạnh ngăn chặn sự chi viện của ta vào chiến trường miền Nam. Đây là một cuộc càn với quy mô vô cùng lớn của quân đội Sài Gòn. Chúng huy động đến 3 sư đoàn, đổ quân chốt chặn ở hàng chục cứ điểm dọc theo hai phía bắc - nam đường 9, từ thị trấn Khe Sanh đến Bản Đông nằm sâu hàng chục cây số phía đất Lào.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến công thuộc về nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO