Chiến lược giáo dục

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 08/09/2014 08:54

Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Vai trò của giáo dục cũng đã được Hiến pháp 2013 khẳng định tại Điều 61.

Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI).  TRONG ẢNH: Lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015 tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn. Ảnh: PH.LỘC
Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). TRONG ẢNH: Lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015 tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn. Ảnh: PH.LỘC

Cũng như các thời kỳ cách mạng trước đây, giáo dục muốn phát triển thành công, trước hết phải có đường lối, quan điểm tư tưởng chỉ đạo. Điều 61, Hiến pháp 2013 khẳng định lại quyết tâm của Đảng và Nhà nước: phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được Đảng đưa ra trong thời kỳ đổi mới, được khẳng định rõ nét và triển khai mạnh mẽ từ Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) năm 1996. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cụ thể đẩy mạnh phát triển giáo dục. Ngân sách giáo dục tăng từ hơn 5% khi bắt đầu đổi mới, dần nâng lên 10%, rồi 15%, đến năm 2008 đã tăng lên đến 20%. Nhờ đó mà trên cả nước đã thực hiện được một phần kiên cố hóa trường học, nhất là ở những vùng khó khăn; thực hiện chương trình tin học hóa, tăng thiết bị dạy học, phụ cấp vùng miền khó khăn, phụ cấp nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo đứng lớp yên tâm hơn. Tất cả địa phương đều bảo đảm đủ số lượng giáo viên và cán bộ quản lý, nay đã lên tới hơn một triệu người…

Điều 61 (Hiến pháp 2013):

1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

Bên cạnh việc khẳng định quan điểm, đường lối phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, Điều 61 của Hiến pháp 2013 một lần nữa khẳng định 3 mục tiêu mà nền giáo dục phải hướng tới là nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Khoản 2 của Điều 61 nêu lên nhiệm vụ phát triển các bậc học trong hệ thống phát triển quốc dân và điều kiện triển khai. Trong giai đoạn phát triển sắp tới, các bậc học từ mầm non, giáo dục nghề nghiệp, cho tới giáo dục đại học đều được quan tâm thích đáng và phát triển theo yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khoản này nêu rõ, giáo dục tiểu học là bậc học bắt buộc và trung học là bậc học phổ cập giáo dục. Ngày nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), đồng thời triển khai Hiến pháp 2013 phải thấm nhuần và quán triệt tư tưởng: tổ chức phân luồng sau lớp 9, trong các năm học THPT và sau THPT. Tránh tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT đều đổ xô vào đại học.

Nhà nước cần triển khai phát triển giáo dục đại học, nghề nghiệp cho phù hợp với tình hình. Phải chấn chỉnh những lệch lạc trong nhận thức, chính sách và triển khai việc phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng thì mới hy vọng giáo dục đại học có chất lượng. Trước hết, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, sau đó hãy bàn các chỉ tiêu phấn đấu theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Hiện nay, trong tình hình kinh tế khó khăn, Hiến pháp 2013 vẫn quy định nhiệm vụ của Nhà nước đối với việc đầu tư cho giáo dục như đầu tư cho phát triển là hết sức có ý nghĩa. Toàn Đảng, toàn dân và ngành giáo dục đều trông đợi mong mỏi nội dung này của Hiến pháp 2013 mau chóng được triển khai.

Khoản 3 của Điều 61 nêu quan điểm, phát triển giáo dục theo vùng miền. Do điều kiện lịch sử, bảy vùng miền ở nước ta hiện nay chưa phát triển đồng đều, có nơi nhiều thuận lợi, có nơi nhiều khó khăn. Đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là làm cho tất cả vùng miền đều phát triển. Các vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nói riêng và ngành giáo dục nói chung rất hoan nghênh đường lối ưu tiên các vùng khó khăn. Mong rằng, trong những năm tới, nước ta sẽ là nước công nghiệp, hiện đại, văn minh. Các trường học ở các vùng kém phát triển cũng được quan tâm như các vùng thuận lợi. Làm sao trường lớp ở những vùng này hết cảnh tranh tre nứa lá, đều được kiên cố hóa theo chương trình Chính phủ đề ra từ năm 2004. Học sinh khó khăn đều được cung cấp sách giáo khoa, các thầy cô giáo công tác ở các vùng này cũng được tạo thêm điều kiện để thật sự an tâm cống hiến. Trong khoản 3 Điều 61 còn nêu bật quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với những trẻ em khuyết tật và trẻ em nghèo khó. Để thực hiện khẩu hiệu công bằng xã hội, trước hết Đảng và Nhà nước nên có những chính sách cụ thể để thực hiện khoản 3 Điều 61 nhằm giúp các em khuyết tật và nghèo khó được học hành, ít nhất đến hết THCS và có một nghề bảo đảm cuộc sống.

Ba khoản cụ thể trong Điều 61, một lần nữa khẳng định mục tiêu tốt đẹp của nền giáo dục Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân với nòng cốt là đội ngũ nhà giáo và nhà quản lý giáo dục ra sức thực hiện, biến những điều của Hiến pháp 2013 về giáo dục thành những chính sách và công việc cụ thể, giúp cho thế hệ trẻ có đầy đủ năng lực tiếp nối truyền thống dân tộc, thực hiện sứ mệnh vẻ vang bảo vệ và xây dựng đất nước.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Đại biểu Quốc hội có quyền hạn và trách nhiệm như thế nào đối với cử tri và Nhân dân?

- Trả lời: Quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.

2. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

4. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

5. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

6. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.

7. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu, có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu.

9. Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội.

10. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiến lược giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO