Những ngày này, nhiều môn thuộc chương trình thi đấu của Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII đang diễn ra khá sôi động ở cả 3 khối huyện đồng bằng, thành phố; huyện miền núi và ngành - lực lượng vũ trang. Nhưng sôi động, hấp dẫn và kịch tính nhất có lẽ là những cuộc so tài ở môn điền kinh. Bên cạnh một số vận động viên (VĐV) tiếp tục khẳng định tài năng của mình, đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng, thi đấu xuất sắc, không những lập cú đúp huy chương vàng mà còn phá kỷ lục của đại hội. Có thể kể đến như Huỳnh Phi Hải (Tiên Phước), Nguyễn Mỹ Hồng (Phú Ninh), Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Hiệp Đức), Nguyễn Viết Chánh (Hội An), Hà Thị Hòa (Điện Bàn), Bling Thị Bim (Tây Giang)…
Vận động viên Lê Ngọc Tú (Nông Sơn) về đích cuối cùng trong sự sẻ chia của đồng đội. Ảnh: ANH SẮC |
Thể thao không chỉ có niềm vui của người chiến thắng mà ở đó, mỗi người còn có thể chọn cho mình “con đường riêng”. Vì thế, song song với niềm vui về đầu cũng có niềm hạnh phúc của những người sau khi chiến thắng… bản thân! Trên đường chạy môn điền kinh, có khá nhiều hình ảnh cảm động về tinh thần thể thao luôn “cháy” hết mình của các VĐV. Chẳng hạn, VĐV mang số đeo 41 Lê Ngọc Tú của huyện Nông Sơn không chỉ 1 mà đến 2 lần quyết không bỏ cuộc giữa chừng khi vẫn cố gắng hoàn thành các cự ly chạy 800m và 1.500m dù biết mình về đích cuối cùng. Chứng kiến nụ cười của anh khi chạm đích và những cánh tay đồng đội chìa ra chia sẻ đủ thấy có một niềm hạnh phúc đang lan tỏa. Tương tự, một VĐV nữ của huyện Bắc Trà My cũng 2 lần nỗ lực cán đích bất chấp các đối thủ đã về từ trước đó khá lâu. Thế nên, không bất ngờ khi có khá nhiều tiếng vỗ tay và lời cổ vũ, động viên của người xem vang lên trên sân vận động Tam Kỳ.
Biết trước thất bại nhưng các VĐV vẫn quyết không “đầu hàng” đã thể hiện ý chí vượt lên chính mình, vì “màu cờ sắc áo” của địa phương. Tuy nhiên không phải VĐV nào, địa phương nào cũng chấp nhận thất bại theo cách của Lê Ngọc Tú hay nữ VĐV Bắc Trà My đã thể hiện. Đơn cử như vừa qua, đội bóng chuyền nữ của một huyện đã xin thua ở trận tranh giải ba bởi suy nghĩ quá ấu trĩ “thi đấu cũng không thể giành chiến thắng”. Mới đây nhất, ở giải bóng chuyền khối ngành cũng xảy ra sự việc tương tự.
Trong bất cứ cuộc thi tài nào tất nhiên phải có người chiến thắng và kẻ thất bại. Điều quan trọng là sự thể hiện và cách ứng xử của mỗi người đối với thất bại. Với nhiều người, có thể không chiến thắng ở kết quả nhưng họ lại vui vì chiến thắng bản thân, qua đó đem lại cho mọi người niềm tin về tinh thần và ý chí. Ai đó đã nói “Thể thao là đỉnh cao của văn hóa”, không biết có đúng không nhưng ngẫm lại, trong những trường hợp này, một phần nào đó cũng có lý.
ANH SẮC