Từ Chủ nhật 9.12, chỉ sau 2 ngày mưa to kéo dài, biển nước mênh mông đã bao vây hàng trăm hộ dân ở khu dân cư phía đông khối phố Trường Đồng và ốc đảo Đoan Trai (phường Tân Thạnh), hai khu vực ngập nặng nhất của TP.Tam Kỳ. Nhiều gia đình chỉ kịp đưa người già, phụ nữ và trẻ em đến nơi cao ráo trú ẩn, đành bỏ lại nhà cửa cùng tài sản bị ngâm trong nước mấy ngày liền.
|
Đến hôm qua 11.12, khu dân cư phía đông khối phố Trường Đồng vẫn còn ngập sâu. Ảnh: T.C |
TRƯỜNG ĐỒNG KHÔNG KỊP CHẠY
Sáng 11.12, mưa ngớt, nước rút bớt, chúng tôi lội nước đến khối phố Trường Đồng. Ông Bùi Đức - Trưởng khối phố cho biết, có khoảng 140 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là khu dân cư phía đông của khối phố, nhiều hộ thiệt hại lớn vì nước lên quá nhanh chỉ kịp đưa người đến nơi an toàn để trú ẩn. “Thiệt hại chưa được thống kê cụ thể, tuy nhiên rất nhiều người không kịp chuyển lúa, đồ đạc, máy móc lên cao nên bị nước ngập hư hại nặng. Cũng may trước đó nhận thấy tình hình bất ổn, nước sẽ còn dâng cao, ngay từ sáng sớm ngày thứ Hai 10.12 Ban nhân dân khối phố đã đề nghị chính quyền phường Tân Thạnh cử lực lượng dân quân, dân phòng tăng cường hỗ trợ nhân dân vùng trũng thấp” - ông Đức nói.
Hôm qua 11.12 nước đã rút bớt, gia đình ông Tịnh đưa ghe về nhà vớt lúa bị chìm. Ảnh: T.C |
Ông Trương Văn Thiệt (SN 1967) chèo ghe đưa chúng tôi vào xóm dân cư phía đông khối phố, vùng thấp trũng nhất bị ngập sâu trong đợt mưa lớn những ngày qua. Nhiều nhà nước dâng gần tới nóc, đồ đạc dù đã được kê cao hết cỡ nhưng vẫn không tránh được ngập. Nhà ông Thiệt may có tầng gác nên kịp chuyển đồ đạc tránh được ngập. Vợ chồng ông phải hứng nước mưa, dùng củi để nấu cơm. Vật nuôi cũng được ông Thiệt đưa lên tầng gác tránh trú. Cách không xa nhà ông Thiệt, ông Bùi Viết Thiên mấy bữa nay ở tầng gác chung với 11 con heo. “Từ rạng sáng hôm qua (thứ Hai 10.12 - PV) đến giờ đưa heo lên gác tránh nước nhưng không có gì cho ăn, nếu nước không kịp rút thì cũng dở khóc dở mếu với mấy con heo. Không có củi nấu, tôi ăn tạm mì gói, ở nhà canh đàn heo” - ông Thiên chia sẻ.
Nước lớn nhanh, người dân Trường Đồng không kịp di chuyển tài sản. |
Hụp lặn trong nước để vớt hơn 300 ang lúa bị nhấn chìm, ông Trần Văn Tịnh (SN 1977) lộ rõ vẻ mỏi mệt khi phải dầm mình suốt hai ngày trời. Nước lên nhanh, mấy bao lúa từ chiều Chủ nhật 9.12 đã được kê chất cao hơn 1,5m, song không cao bằng mực nước khuya đó. Ngập hết. “Tranh thủ đã có nắng vớt đem phơi, được chừng nào hay chừng đó, chứ lúa ngâm nước đã 2 ngày nay nếu không phơi thì chắc chắn mọc mầm, coi như bỏ. Lo chạy lấy người nên tài sản trong nhà không kịp chuyển đi đâu. Ti vi, máy giặt, xe máy nằm sâu dưới nước; mấy chục con gà cũng bị trôi luôn” - ông Tịnh chậc lưỡi. Còn gia đình chị Bùi Thị Hiền, nhờ có lực lượng dân quân và dân phòng của phường giúp đỡ đã kịp dùng ghe đưa 65 con heo nuôi lên vùng cao ráo. Tuy nhiên, nước lớn nhanh quá, đàn heo tránh được nhưng đàn gà hơn 100 con bị chết vì ngập, toàn bộ tài sản trong nhà chưa kịp chuyển đi đã bị chìm sâu…
Theo ghe đi vào sâu trong khu dân cư, chúng tôi gặp cảnh hàng chục gia đình đưa heo lên tầng gác sống chung để tránh ngập; phía dưới, tủ lạnh, ti vi cùng vật dụng khác nổi lềnh bềnh. Nhiều nhà chỉ còn nhô mái ngói…
CHỚI VỚI, ĐOAN TRAI
Sau nhiều ngày bị cô lập, sáng 11.12, phóng viên Báo Quảng Nam đã tiếp cận “ốc đảo” Đoan Trai bằng ghe của lực lượng cứu hộ phường Tân Thạnh. Mặc dù nước đã rút dần, nhưng nhiều ngôi nhà vẫn còn chìm sâu. Cụ Huỳnh Phước (83 tuổi), ăn bánh mì từ đoàn cứu trợ, vừa tranh thủ lau dọn chiếc giường, cùng một vài vật dụng gia đình sau nhiều ngày bị ngâm nước. Cụ Phước cho hay, nhà có hơn 25 bao lúa bị úng đang bắt đầu nảy mầm. Năm nào cũng có cảnh sống chung với mưa lũ, cụ Phước nói, lần này là đầu tiên trong đời cụ bất ngờ khi nước dâng đột ngột chỉ sau 2 ngày mưa. Hồi lũ năm 1999 nước cũng dâng cao như bây chừ, lũ cũng lớn nhanh nhưng không đột ngột như đợt nước mưa ni. “Trong nhà cái chi cũng bị ngập hết. Khổ!” - cụ Phước bộc bạch.
Nhiều ngôi nhà của người dân ở khối phố Đoan Trai vẫn còn ngập sâu. Ảnh: N.T |
Dù đã quá quen với lũ, nhưng hầu hết người dân Đoan Trai chia sẻ, vẫn không kịp trở tay đợt này vì mưa ngập. Nước dâng bất ngờ, lại nửa đêm nên công tác chuẩn bị có phần lúng túng. Cũng theo cụ Phước, khi nuớc bắt đầu dâng cao, người dân đã cùng nhau bưng bê tài sản, vật dụng…, kể cả gia súc đưa lên gác hoặc ở vị trí cao nhất của ngôi nhà để tránh. Tuy nhiên, do nước lên rất nhanh và cao nên mọi sự chủ động đều bị thất bại. Tại tổ đoàn kết số 5, nằm ở gò đất cao nhất của khối phố, là nơi lâu nay bà con tin cậy gửi gắm đồ đạc, nhưng căn nhà của ông Trần Văn Tài cũng bị ngập sâu đợt này. Vì thế, ông Tài cho biết có đến hơn 150 bao lúa của gia đình ông và bà con xung quanh gửi nhờ trước đó bị úng. “Bây giờ không có chỗ để phơi, số thóc này chắc cũng chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc” - ông Tài nói…
Người dân cùng gia súc “trốn lũ” tại nơi cao ráo của căn nhà. Ảnh: N.T |
Nước dâng bất ngờ khiến đồ ăn, thức uống của người dân Đoan Trai bị ngập và cuốn trôi. Mấy ngày nay do không còn lương thực dự trữ, các hộ dân đành phải ăn đỡ mì tôm sống, cùng bánh mì từ các nhà hảo tâm cứu trợ. Ông Trần Văn Soạn - Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão phường Tân Thạnh cho hay, để kịp thời hỗ trợ người dân, trong hai ngày qua, lực lượng chức năng địa phương và các nhà hảo tâm đã tìm cách tiếp cận tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân Đoan Trai.
Các ghe cứu trợ đến với người dân Đoan Trai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Nước vẫn chưa rút hẳn, song cơ quan chức năng dự báo mưa sẽ còn xảy ra trong nhiều ngày tới, khiến người dân các vùng trũng thấp không khỏi lo lắng.
Hơn 9 giờ sáng, cụ Huỳnh Phước mới ăn được bữa bằng ổ bánh mì từ các nhà hảo tâm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN TUẤN
MỘT MIẾNG KHI ĐÓI…
Những ngày qua, lực lượng chức năng, nhiều đoàn từ thiện đã kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân vùng bị ngập sâu vượt qua khó khăn trước mắt.
1. Sáng 11.12, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với các nhà hảo tâm cùng lực lượng chức năng chuyển 800 suất quà cứu trợ đến các vùng Tam Đàn (Phú Ninh) và vùng còn ngập sâu ở TP.Tam Kỳ. Thượng tá Nguyễn Xuân Bách - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, trong đêm 10.12 Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận được nhiều tin báo có rất nhiều người dân vẫn đang bị cô lập rất cần cứu trợ lương thực, nước uống. “Ngay trong đêm, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị những mặt hàng nhu yếu phẩm để cứu trợ, đảm bảo bà con không bị thiếu ăn trong khi chờ nước rút. Trước đó, vào sáng 10.12, hơn 30 cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh đã dùng ca nô chuyên dụng chuyển hàng cứu trợ đến những vùng bị ngập sâu” - Thượng tá Nguyễn Xuân Bách nói.
Ông Hồ Văn Ninh (84 tuổi) ở thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, cho biết, nước bắt đầu tràn vào nhà ông từ rạng sáng 9.12. Nước lên quá nhanh, gia đình ông không kịp di chuyển đồ đạc, nhất là gạo và nhu yếu phẩm, nên bị ngập hết. “Quanh vùng này không có quầy bán tạp hóa, muốn đi xa để mua cũng không được vì nước ngập sâu. Giờ có hàng cứu trợ đây rồi nên cũng đỡ lo, cầm cự chờ nước rút” - ông Ninh chia sẻ. Tại thôn Vạn Long còn gần 200 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu vẫn đang chịu cảnh nước bao vây, cô lập hoàn toàn. Thượng tá Trần Tiến Hiền - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết, với gần 1.000 suất quà bao gồm mì ăn liền, nước, sữa… (trong đó có 400 suất do BĐBP tỉnh hỗ trợ) sẽ được đưa đến từng nhà đang bị cô lập. Dự báo trong thời gian tới vẫn còn mưa nên bây giờ quan trọng nhất là phải cứu trợ cho người dân đủ thức ăn, nước uống.
Lực lượng bộ đội biên phòng trao hàng cứu trợ cho người dân. Ảnh: N.DƯƠNG |
2. Sáng 11.12, trời tạnh mưa, nước đã rút trên nhiều tuyến phố, nhưng tại một số điểm ngập nặng như khối phố Đoan Trai, Trường Đồng (phường Tân Thạnh) nước vẫn gây ngập hàng trăm ngôi nhà. Tại khối phố Đoan Trai, một nhóm thanh niên tại TP.Tam kỳ phối hợp với các sư thầy chùa Bửu Đức, mạnh thường quân hỗ trợ 450 thùng mì tôm, 1.000 chai nước suối và bánh mì. Việc cấp phát hàng cứu trợ khá khó khăn vì phải vận chuyển bằng ghe đến từng hộ trong khối phố.
Phương Thúy - một bạn trẻ tại Tam Kỳ tham gia cứu trợ người dân Đoan Trai, chia sẻ: “Qua thông tin, tụi em biết người dân khu vực khối phố Đoan Trai bị ngập nặng nên đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ mì ăn liền, nước suối để sáng nay đến giúp đỡ bà con. Hy vọng số quà này sẽ giúp bà con giải quyết những khó khăn tạm thời khi nước lũ còn bao vây”. Cũng trong sáng qua, BĐBP Quảng Nam cử cán bộ đến thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khối phố Đoan Trai. Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh,... tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ hàng trăm suất quà cho người dân vùng ngập nặng thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Thăng), phường Phước Hòa, phường Tân Thạnh...
3. Tại một số khu vực ở TP.Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, Câu lạc bộ Hội người Quảng Nam đã kịp thời huy động 5 xe tải và 4 ca nô chở hơn 1.100 thùng mì ăn liền và 600 lốc nước lọc đến với bà con. Trước đó, ngày 10.12, khi nước đang dâng cao, các tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên ở Tam Kỳ cũng dầm mình mang mì ăn liền đến với bệnh nhân Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Chị Nguyễn Thị Như Ngọc - phường An Xuân, TP.Tam Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội người Quảng Nam tâm sự, hầu hết bệnh nhân của Bệnh viện Y học cổ truyền là người cao tuổi, già yếu không thể lội nước đi mua thức ăn, nên các chị hỗ trợ mì ăn liền để các cụ ăn tạm qua ngày.
Trong đợt mưa ngập lần này, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam gần như bị cô lập. Khi cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện lên mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ cho hơn một nghìn bệnh nhân và người chăm bệnh, đã được cộng đồng hưởng ứng và nhanh chóng tham gia. Nước sạch, mì ăn liền, những suất cháo tình thương... đã kịp thời chuyển đến bà con. Sáng 11.12, một số nhà hảo tâm ở Tiên Phước đã vượt hơn 30km về Tam Kỳ, mang theo 300 suất cháo dinh dưỡng, 200 ổ bánh mì kẹp chả hỗ trợ bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại BVĐK Quảng Nam và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Trưa cùng ngày, câu lạc bộ từ thiện Nguyện Ước Xanh đã mang 1.000 suất bánh mì, sữa, nước uống đến với bệnh nhân điều trị tại BVĐK tỉnh. Bà Nguyễn Thị Phước - Điều dưỡng trưởng BVĐK Quảng Nam nói: “Bệnh nhân đang điều trị rất lo lắng khi nước ngập, hàng quán bên ngoài không hoạt động, nên những suất quà của các nhà hảo tâm đến kịp thời đã giúp bệnh nhân yên tâm điều trị”.
NGUYỄN DƯƠNG - VINH ANH - CHÂU NỮ