Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020”, chính sách bảo hiểm đã thực sự đi vào đời sống một cách sâu rộng.
Thông tin chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đưa đến nhân dân qua nhiều hình thức truyền thông. |
Hiệu quả từ truyền thông
Để mỗi chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với nhân dân, công tác truyền thông luôn có vai trò quan trọng. Truyền thông bằng miệng, bằng hình ảnh, băng rôn khẩu hiệu trực quan sinh động, qua phương tiện báo đài, hay hình thức sân khấu hóa thông qua hội thi tuyên truyền viên... là những phương thức mà cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện trong suốt 5 năm qua. Như ở huyện Đại Lộc, trước và sau khi có Nghị quyết 21, hiệu quả của truyền thông thể hiện rõ. Trước thời điểm năm 2012, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT dù đã được thực hiện, nhưng chỉ mang tính nội bộ, chưa triển khai rộng rãi đến nhân dân - đối tượng chính cần được tuyên truyền. Nhưng kể từ khi có Nghị quyết 21, vị trí của chính sách BHXH, BHYT đã khác, người dân biết nhiều hơn về chính sách thông qua các cuộc đối thoại, “hỏi thẳng - đáp ngay” giữa cơ quan BHXH huyện Đại Lộc và người dân, đối tượng tham gia chính sách BHXH, BHYT. Qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, qua các đại lý thu, chính sách BHXH, BHYT đã đến được với đông đảo nhân dân Đại Lộc. Ông Nguyễn Quang Thân - Giám đốc BHXH huyện Đại Lộc cho biết: “Kể từ khi có Nghị quyết 21, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đối với việc tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng tích cực hơn, mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc thực hiện chính sách này trong nhân dân. Công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức cả trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho mọi người nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đã được xem là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.
Với sự chỉ đạo, quán triệt, sát sao từ Tỉnh ủy, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh các hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT đa dạng, phong phú. Hàng trăm cuộc đối thoại, tuyên truyền đã được tổ chức từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố. Các cuộc đối thoại được đưa về tận xã hoặc cụm xã để người dân được giải đáp thắc mắc liên quan đến quyền và lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT. Từ các hình thức cổ động trực quan, tuyên truyền qua đài, báo, tạp chí, bản tin nội bộ, website, hoặc báo cáo viên trực tiếp…, chính sách BHXH, BHYT được đưa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân không phân biệt vùng núi cao hay đồng bằng, từ người nông dân đến công nhân trong các khu - cụm công nghiệp, từ người lao động đến chủ sử dụng lao động ở các loại hình sản xuất, kinh doanh... Bằng nhiều hình thức linh hoạt, truyền thông về BHXH, BHYT đã làm thay đổi bức tranh toàn cảnh về việc thực hiện chính sách này ở cơ sở, hướng đến nền BHYT toàn dân đang được tỉnh quyết tâm thực hiện đạt tỷ lệ theo lộ trình vào năm 2020.
Tác động tích cực
Khi người dân hiểu về chính sách, đặc biệt là hiểu về quyền và lợi ích khi tham gia chính sách thì họ mới cân nhắc, lựa chọn. Và tác động rõ nét nhất mà Nghị quyết 21 mang lại chính là sự thay đổi về tư duy, nhận thức từ người dân cho đến hệ thống lãnh đạo đảng, chính quyền và các hội đoàn thể. Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT để thực hiện nền BHYT toàn dân trở thành tiêu chí xét thi đua trong các cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở. Nghị quyết 21 đã đưa chính sách BHXH, BHYT thành chính sách toàn dân, qua đó mỗi người cần được hiểu, tham gia vì lợi ích của bản thân, gia đình, nhất là chính sách BHYT. Theo chỉ tiêu Nghị quyết 21 đề ra, đến năm 2017 toàn tỉnh có 80% dân số tham gia BHYT toàn dân. Nhưng con số thực tế đã cao hơn nhiều, khi đến nay đã có 92% dân số của tỉnh tham gia BHYT (hơn 1,3 triệu người). Kể cả số người tham gia BHXH cũng tăng hơn so với năm 2012 đến 48% (hiện nay hơn 163 nghìn người tham gia BHXH). Đây là kết quả ấn tượng, khẳng định tác động vô cùng tích cực từ Nghị quyết 21.
Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, riêng ngành BHXH đã giao chỉ tiêu và yêu cầu bắt buộc cán bộ, viên chức toàn ngành phải thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 21. Từ tác phong đến cung cách làm việc, phục vụ nhân dân đều trở thành tiêu chí thi đua trong ngành. Đổi mới tác phong, lề lối làm việc luôn được ngành chú trọng. Cụ thể nhất là hệ thống giao dịch một cửa đã được thực hiện từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Bộ phận này làm việc cả sáng thứ Bảy hàng tuần, tạo điều kiện giao dịch cho người lao động và các doanh nghiệp. Tại bộ phận một cửa, mọi hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn, không được trễ của người dân dù chỉ một ngày. Khi hồ sơ của người dân có vấn đề, phải có giấy hẹn và trả lời rõ nguyên nhân khiến hồ sơ trễ, nếu hồ sơ sai thì người dân phải được hướng dẫn cụ thể để bổ sung, chỉnh sửa và giải quyết. Ứng dụng hiệu quả, tiện ích của công nghệ thông tin, internet được tận dụng tối đa trong hệ thống giao dịch điện tử của ngành BHXH. Nhờ vậy, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa, giảm thời gian đi lại giao dịch của nhân dân và doanh nghiệp khi cần giải quyết các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT.
LÊ DIỄM