Cân nhắc thẩm quyền xét khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương

VĂN HIẾU 27/05/2022 16:40

(QNO) - Sáng nay 27.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tranh luận
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước tranh luận tại hội trường. Ảnh: VĂN HIẾU

Nội dung thảo luận tập trung vào sửa đổi, bổ sung các danh hiệu thi đua; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua, đặc biệt là việc bổ sung tiêu chuẩn sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học để làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua; hình thức khen thưởng, nhất là khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang; tiêu chuẩn khen thưởng huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước; thẩm quyền đề nghị khen thưởng...

Tại buổi thảo luận, một số đại biểu cho rằng dự thảo luật đã rất hoàn thiện; tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tranh luận không đồng tình với quan điểm này. Huy chương TNXP vẻ vang tặng TNXP có thành tích kháng chiến bảo vệ Tổ quốc quy định có thời gian tham gia 2 năm trở lên, theo đại biểu Dương Văn Phước, chỉ cần 1 năm hoặc 6 tháng tham gia trong cuộc kháng chiến ác liệt còn dài hơn 10 năm trong hòa bình, cuộc sống của TNXP rất khốc liệt, cái chết cận kề. Vì vậy, đại biểu đề xuất rút ngắn thời gian về điều kiện công nhận tặng Huy chương TNXP vẻ vang xuống 1 năm là phù hợp.

Theo đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam), việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến quy định “TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng Huy chương TNXP” là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất bổ sung điều kiện trong trường hợp TNXP khi đang làm nhiệm vụ thì bị thương nặng (được công nhận thương binh loại 1, 2), không thể tiếp tục phục vụ trong lực lượng TNXP thì được xem xét truy tặng Huy chương TNXP vẻ vang - như truy tặng cho liệt sĩ, không cần phải tính đủ 2 năm mới truy tặng như dự thảo luật.

Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng tại Điều 83, dự thảo luật quy định “ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương”, theo đại biểu Dương Văn Phước là không khả thi, không rõ về chủ thể khen thưởng, khó triển khai trong thực tế. Tồn tại này đã qua nhiều khóa Quốc hội, ĐBQH chuyên trách ở địa phương không được khen thưởng, nay tiếp tục quy định như dự thảo chẳng khác nào gây khó khăn cho ĐBQH chuyên trách ở địa phương.

Bởi lẽ, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các diễn đàn của Quốc hội thì chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đánh giá được. Do vậy, việc khen thưởng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương theo phân cấp, thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương, do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng là không phù hợp, không khoa học, trong khi ĐBQH chuyên trách hưởng lương từ Trung ương. Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị dự thảo luật quy định rõ chủ thể nào quyết định khen thưởng, đơn vị nào tham mưu trình khen thưởng.

Đại biểu Dương Văn Phước đề xuất dự thảo luật nên quy định ĐBQH chuyên trách ở địa phương có 100% thời gian hoạt động, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội như hoạt động của đại biểu chuyên trách ở Trung ương thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khen thưởng và giao Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khen thưởng. Đồng thời, đại biểu cũng đánh giá cao Ban soạn thảo dự án luật đã cơ bản tiếp thu một số nội dung góp ý của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cân nhắc thẩm quyền xét khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO