Công tác cán bộ ở Đông Giang

CÔNG TÚ 30/09/2021 07:49

Triển khai Nghị quyết số 16, ngày 15.12.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020 định hướng đến năm 2025, huyện Đông Giang đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, địa phương đề nghị tỉnh tháo gỡ, cập nhật một số quy định để phù hợp với điều kiện thực tế cơ sở.

Cán bộ, công chức người DTTS ở Đông Giang góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: CT
Cán bộ, công chức người DTTS ở Đông Giang góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: CT

Bố trí nhiều cán bộ là người DTTS

Theo Đảng ủy xã Tư, từ khi có Nghị quyết số 16, việc đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ, công chức người DTTS luôn được các cấp ủy đảng chú trọng. Điều này được chứng minh khi số lượng cán bộ, công chức qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nhất là cán bộ chủ chốt hàng năm đều tăng, trở thành nguồn nhân lực thực thi các chính sách ở miền núi.

Thực hiện Đề án 500 của tỉnh, từ năm 2014 đến nay xã Tư đã tuyển dụng 2 cán bộ người DTTS, bố trí 1 người làm công chức văn hóa xã hội, 1 người đảm trách công chức văn phòng thống kê. Những cán bộ này chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn, tạo được sự tin tưởng của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Thực hiện tuyển dụng, QH, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển và chính sách đối với người DTTS, từ năm 2015 đến nay, Đông Giang tuyển dụng 107 cán bộ là người DTTS, trong đó công chức cấp huyện 12 người, công chức cấp xã 27 người, còn lại là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Ông Lê Duy Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Giang cho biết, sau khi Nghị quyết số 16 ra đời, Huyện ủy Đông Giang đã tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt, xây dựng chương trình hành động để thực hiện và chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đến cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức, hành động đối với công tác cán bộ người DTTS sát với tình hình thực tiễn ở địa phương.

Vào năm 2017, Huyện ủy tiến hành sơ kết kết quả thực hiện để đánh giá ưu điểm, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 16. Thống kê cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức của Đông Giang là 403 người (cấp huyện 176 người, cấp xã 227 người), trong đó người DTTS chiếm 63,77% (cấp huyện 73 người, cấp xã 184 người).

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Giang - bà ATing Tươi cho biết, tỷ lệ cán bộ người DTTS được đưa vào quy hoạch (QH) các chức danh chủ chốt, cấp ủy, ban thường vụ, trưởng, phó phòng ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể nhiệm kỳ 2020 - 2025 được nâng lên về số lượng, chất lượng so với nhiệm kỳ trước.

Ở cấp huyện, QH cán bộ người DTTS vào ban chấp hành 39/62 người (tăng 7,09%); ban thường vụ 14/20 người (tăng 10%). Từ năm 2015 đến nay, Đông Giang phối hợp mở 2 lớp đào tạo trung cấp chính trị tại huyện; cử 1.364 người đi bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị trong và ngoài tỉnh. Huyện ủy còn luân chuyển 6 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện là người DTTS về giữ vị trí chủ chốt ở xã, thị trấn.

Còn nhiều trăn trở

Theo Đảng ủy xã Zà Hung, việc tiếp nhận, bố trí sinh viên về làm việc tại xã rất khó. Đến nay, địa phương có 16 người thuộc diện xét tuyển, thi tuyển vào các trường cao đẳng, đại học đã tốt nghiệp nhưng chưa bố trí được việc làm.

Nguyên do là cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách của xã đạt yêu cầu, đa số theo học lớp đại học tại chức, có người tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên 15 năm, độ tuổi hầu hết dưới 40.

Đề xuất QH học sinh, sinh viên vào cấp ủy để bố trí vào các chức danh chủ chốt còn bất cập, vì phần lớn các em tốt nghiệp đại học, cao đẳng chỉ đảm bảo về trình độ chuyên môn, còn các tiêu chuẩn, điều kiện khác chưa đảm bảo theo quy định để QH.

Bà ATing Tươi chia sẻ, mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nêu trong nghị quyết mâu thuẫn với quy định hiện hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Chẳng hạn, nghị quyết quy định tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ, công chức người DTTS giai đoạn 2015 - 2020 phải có 20% trình độ đại học, còn lại trung cấp trở lên, định hướng đến 2025 là 40% đại học, còn lại trung cấp trở lên.

Tuy nhiên, UBND tỉnh quy định chức danh cán bộ chủ chốt phải có trình độ đại học. Như vậy, 80% còn lại không có trình độ đại học sẽ không đảm bảo theo quy định này. Chưa kể, quy định cho tăng thêm cấp phó là người DTTS ở các phòng, ban để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý là chưa rõ nét, chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Trước những hạn chế nêu trên, ông Lê Duy Thắng cho biết đã kiến nghị tỉnh quan tâm, tiếp tục thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức miền núi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Điều chỉnh nâng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Chỉ đạo, quy định số lượng cụ thể cho các đơn vị, ngành dọc của tỉnh đóng trên địa bàn huyện tuyển dụng, tiếp nhận người DTTS vào làm việc.

Cạnh đó, xét tuyển đối với sinh viên cử tuyển là người DTTS theo hình thức cạnh tranh trong huyện, không xét cạnh tranh toàn tỉnh, để các em được cử đi học theo nhu cầu của địa phương có cơ hội tìm việc làm.

Chủ trương QH học sinh, sinh viên người DTTS hiện không phù hợp với tiêu chuẩn chức danh QH theo hướng dẫn của tỉnh, nếu có cũng không khả thi, không đáp ứng được nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ, do đó nên xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn hoặc có quy định QH cụ thể với các đối tượng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác cán bộ ở Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO