Kiến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai

VĂN HIẾU 25/05/2022 15:09

(QNO) - Sáng nay 25.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước tham gia góp ý nhiều vấn đề.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: V.HIẾU
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: V.HIẾU

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Với sự chuyển hướng từ chiến lược phòng chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, đất nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét tháo gỡ trong thời gian tới. Về chính sách bố trí dân cư, đại biểu cho rằng nhu cầu sắp xếp dân cư, nhất là dân cư vùng thiên tai trên địa bàn cả nước, trong đó có Quảng Nam vẫn còn nhiều, chưa giải quyết dứt điểm.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh như đối với đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thống kê, đánh giá thiệt hại và nhiều đối tượng khác chưa được quy định hỗ trợ, gây khó khăn cho việc thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để điều chỉnh, khắc phục các nội dung còn thiếu sót, bất cập nêu trên.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất điều chỉnh quy định hoạt động thuê môi trường rừng để trồng các loại cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ để thực hiện dịch vụ này. Hiện nay các địa phương rất khó khăn trong việc nuôi trồng dược liệu dưới táng rừng, trong khi thực tiễn ở Quảng Nam trồng sâm Ngọc Linh rất hiệu quả, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ dưới tán rừng.

Về đầu tư công, hiện nay vướng mắc trong việc giải ngân vốn, phần lớn do khâu giải phóng mặt bằng. Đại biểu Dương Văn Phước lập luận, Luật Đầu tư công quy định: trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm.

Thực tế nhiều địa phương có dự án thuộc nhóm B, C nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, cần phải tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thuận lợi trong công tác đầu tư. Nhiều địa phương cần quỹ đất sạch để thu hút đầu tư… Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, mở rộng đối tượng dự án được tách riêng để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, tạo cơ chế thuận lợi để các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai dự án, đẩy nhanh giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Về ngân sách nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác (trừ trường hợp đặc biệt). Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, trong thực tế tại địa phương Quảng Nam phát sinh một số nhiệm vụ chi hỗ trợ đầu tư công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ an sinh xã hội cho các địa phương kết nghĩa và các địa phương tại nước bạn Lào có chung đường biên giới theo chương trình hợp tác thường niên giữa các địa phương. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, hằng năm địa phương phải trích 70% tăng thu so với dự toán để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, số còn lại rất thấp chỉ đảm bảo tăng chi thường xuyên, địa phương không còn nguồn để tăng chi đầu tư và phải đi vay; trong khi đó, nguồn cải cách tiền lương lại chưa sử dụng được chuyển nguồn qua nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét quy định lại tỷ lệ trích tạo nguồn cải cách tiền lương từ nguồn tăng thu cho phù hợp, tạo điều kiện cho địa phương có nguồn tăng thu để bổ sung vốn đầu tư.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài áp dụng Nghị định số 103/2021/NĐ-CP về giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 31.12.2022, góp phần kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng tổng thu ngân sách nhà nước cho địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO