Lãnh đạo tỉnh đối thoại cán bộ nữ: Băn khoăn về công tác cán bộ

VINH ANH 17/10/2019 11:18

Diễn đàn đối thoại giữa cấp ủy với 300 cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN các cấp trong tỉnh diễn ra sáng qua (15.10). Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng dù đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên công tác cán bộ nữ nói chung vẫn còn nhiều hạn chế.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH

Sáng qua 15.10, tại hội trường Công an tỉnh, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín chủ trì Diễn đàn đối thoại giữa cấp ủy với 300 cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN các cấp trong tỉnh. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng dù đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên công tác cán bộ nữ nói chung vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu đặt ra.  

Cán bộ nữ gặp khó khăn khi đề bạt

Báo cáo tại diễn đàn, bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý trong tỉnh có sự gia tăng hằng năm. Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý nói riêng và cán bộ Hội LHPN ngày càng được nâng lên. Theo số liệu thống kê, đến nay tổng cán bộ, công chức, viên chức nữ trên toàn tỉnh có 15.350 người (chiếm 56,3%); có 23.650 đảng viên nữ (chiếm gần 35%). Trong đó, nữ cán bộ tham gia cấp ủy 3 cấp (nhiệm kỳ 2015 - 2020) chiếm 12,8%; nữ đại biểu HĐND 3 cấp (nhiệm kỳ 2016 - 2021) chiếm 22,2%. Cán bộ nữ được bổ nhiệm là Giám đốc, Phó Giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh chiếm 4,25%, cấp huyện 7,97%, cấp xã 5,57%. Cán bộ nữ là thành viên UBND các cấp hiện có 87/1.369 người. Tỷ lệ cơ quan nhà nước có 30% cán bộ nữ có cán bộ nữ chủ chốt, cấp tỉnh đạt 31%, cấp huyện 76,7%...

Bà Võ Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VINH ANH
Bà Võ Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VINH ANH

Với tư cách là cán bộ nữ tham dự diễn đàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan nêu vấn đề, đối với các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh có lực lượng lao động nữ từ 30% trở lên thì phải có một lãnh đạo nữ, nhưng thực tế có nhiều cơ quan, đơn vị chưa làm đúng quy định, đơn cử như Sở Y tế và Sở GD-ĐT. Đồng quan điểm với nhiều ý kiến, bà Lan cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ nữ thì các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ, nhất là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực sự quan tâm, có giải pháp để biến nghị quyết thành hành động thực tiễn. Bởi thực tế, dù được quy hoạch, luân chuyển nhưng nhiều cán bộ nữ vẫn gặp khó khăn khi đề bạt, bố trí chức danh lãnh đạo quản lý. “Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, cần có tình cảm, quyết tâm,  trách nhiệm trước hết của các cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ, quan trọng nữa là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương” - bà Lan nói.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ nữ đề cập đến những bất cập, vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn trong công tác cán bộ. Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy quy định: “Từ năm 2020 trở đi cán bộ chủ chốt sinh sau năm 1975 ứng cử lần đầu giữ chức vụ trưởng, phó phòng, ban và tương đương phải có chuyên môn đại học chính quy, trung cấp chính trị. Nếu đại học không chính quy phải có trình độ sau đại học”. Điều này gây khó khăn cho cán bộ, nhất là cán bộ nữ tại cơ sở, vì đa số là đại học không chính quy vừa mới tốt nghiệp xong, nay lại phải tiếp tục học sau đại học, trong khi tuổi không còn trẻ, như vậy có phù hợp với cấp xã và khu vực miền núi?...

Đừng để phụ nữ đơn độc!

Chủ đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng nhận được ý kiến của nhiều cán bộ làm công tác Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở. Theo bà Võ Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành, muốn phòng chống BLGĐ thì cần có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội, chứ không phải chỉ có mỗi tổ chức hội phụ nữ. Tỉnh cần chỉ đạo để nâng cao hiệu quả hoạt động của ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Không thể để tình trạng cuối năm làm báo cáo về bình đẳng giới, BLGĐ… cũng do phụ nữ làm. “Như vậy chẳng khác nào là phụ nữ vừa làm, vừa nói lại vừa nghe” - bà Hoa nói.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thạnh thẳng thắn góp ý: “Công tác bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, nói thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Tuyên truyền cũng chỉ có phụ nữ làm. Viết báo cáo cũng đẩy cho phụ nữ làm”. Trong khi đó, bà Võ Thị Hồng Hải - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Sơn mạnh dạn đề xuất, lãnh đạo tỉnh nên ban hành văn bản chỉ đạo về việc “nói không với BLGĐ” để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Nếu không vấn đề BLGĐ cũng khó có sự chuyển biến. Đồng thời cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh đối với vấn đề bình đẳng giới cũng như phòng, chống BLGĐ.

Phát biểu tại diễn đàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp thu, trả lời nhiều nội dung mà cán bộ phụ nữ đề cập. Trong đó, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín đã trực tiếp trả lời các nhóm ý kiến liên quan đến công tác cán bộ nói chung và những vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ. Ông Chín cho biết, tại điểm c, khoản 2, Nghị quyết số 13/2018 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 04/2016, đã nêu rõ về lộ trình thực hiện đối với cấp cơ sở ở huyện miền núi và đồng bằng, đồng thời phân cấp cho ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định về công tác cán bộ đối với những trường hợp sinh từ ngày 1.1.1976 trở về sau ở cấp xã có bằng đại học hệ không chính quy nhưng có trình độ sau đại học. Như vậy, quy định “Từ năm 2020 trở đi cán bộ chủ chốt sinh sau năm 1975 ứng cử lần đầu giữ chức vụ trưởng, phó phòng, ban và tương đương phải có chuyên môn đại học chính quy, trung cấp chính trị. Nếu đại học không chính quy phải có trình độ sau đại học”, về cơ bản là phù hợp.

Đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng, những ý kiến mà cán bộ nữ đề cập, kiến nghị liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ nữ, công tác phụ nữ sẽ giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các chính sách, giải pháp tối ưu để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu về công tác phụ nữ trong thời gian đến. Liên quan đến công tác cán bộ nữ, đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, nhiệm kỳ đến, muốn đảm bảo tỷ lệ nữ trong cấp ủy đạt 15% thì phải tính theo hướng: những vị trí nào cơ cấu nữ mà không bầu được thì bỏ trống, để trong nhiệm kỳ tìm người phù hợp đưa vào. Đồng thời bản thân chị em phụ nữ cũng phải nỗ lực, vượt khó để đảm bảo đủ tất cả quy định, tiêu chuẩn về công tác cán bộ. 

Ngoài các nội dung mà lãnh đạo tỉnh đã trả lời tại diễn đàn, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp đầy đủ các nhóm vấn đề liên quan để gửi đến Hội LHPN tỉnh thông tin rộng rãi trong cán bộ, hội viên phụ nữ nắm bắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lãnh đạo tỉnh đối thoại cán bộ nữ: Băn khoăn về công tác cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO