Nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động

PHAN THÁI BÌNH (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) 15/10/2021 06:40

Trải qua 73 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với đội ngũ làm công tác kiểm tra Đảng toàn quốc, cán bộ ngành Kiểm tra Đảng Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hội thảo góp ý đề án, nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thu hút nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu. Ảnh: CTV
Hội thảo góp ý đề án, nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thu hút nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu. Ảnh: CTV

Dấu mốc 16.10

Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, công tác kiểm tra luôn được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện. Công tác này được xác định là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phát triển của tổ chức đảng, công tác kiểm tra cần được tăng cường, ngày 16.10.1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương.

Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng - là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII lấy ngày 16.10.1948 là Ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng.

Chủ động, phát hiện sớm vi phạm

Qua KT-GS kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Công tác KT-GS cần được thực hiện thật sự công tâm, công bằng, người làm công tác kiểm tra phải xem xét một cách thấu tình, đạt lý. Trong quá trình KT-GS, cần phân tích, nhìn nhận chính xác, khách quan thực trạng để thấy được những yếu tố tích cực trong đổi mới, sáng tạo. Từ đó góp ý cho người thực hiện, cũng như đề xuất với các cơ quan, tổ chức thực hiện bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp.

Công tác KT-GS phải chủ động phát hiện sớm hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng, vi phạm trở thành tội phạm. Khi KT-GS phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra, không chờ khi có kết luận KT-GS.

Do đặc điểm cuộc cách mạng giải phóng miền Nam nên hệ thống tổ chức kiểm tra của Đảng ở miền Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng chưa lập ra cơ quan kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng do cấp ủy các cấp và chi bộ tiến hành. Đến ngày 14.8.1969, tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam mới ra Nghị quyết về việc thành lập ban kiểm tra các cấp.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam và được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Khu ủy Khu V, ngày 15.5.1970, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh ủy lâm thời, ghi dấu mốc quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Ban Kiểm tra Tỉnh ủy lâm thời có 7 ủy viên, do đồng chí Đỗ Thế Chấp - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Nhiệm vụ công tác kiểm tra giai đoạn này là kiểm tra những đảng viên làm trái Điều lệ, kỷ luật của Đảng, trái đạo đức cách mạng; giải quyết đơn, thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật của đảng viên; căn cứ vào quyền hạn quy định tại Điều lệ Đảng quyết định kỷ luật, chuẩn y hoặc xóa bỏ kỷ luật đối với đảng viên.

Từng bước trưởng thành

Từ ngày thành lập đến nay, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy và UBKT các cấp đã phát triển, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Từ 7 đồng chí ủy viên, đến nay, ngành Kiểm tra Đảng Quảng Nam từ tỉnh đến cơ sở có hơn 1.645 ủy viên và 5.300 cán bộ làm công tác kiểm tra (kể cả kiêm nhiệm).

Suốt chặng đường lịch sử 73 năm qua, cán bộ ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Có thể khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, người cán bộ kiểm tra Đảng của tỉnh luôn toàn tâm, không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Từ sau ngày đất nước giải phóng, đội ngũ cán bộ Kiểm tra Đảng bước vào mặt trận mới, với quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, nhằm góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quê hương phát triển.

Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, cấp bách, sống còn đối với sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, người cán bộ Kiểm tra Đảng của tỉnh càng không ngừng trau dồi về phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác, phát huy tinh thần trách nhiệm, tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (KT-GS) và thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp ủy giao.

Triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ KT-GS theo Điều 32 Điều lệ Đảng; trong đó, quyết liệt, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là kiểm tra những vụ việc nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm.

Qua KT-GS đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Với những thành tích được vun đắp qua các thế hệ cán bộ ngành, UBKT Tỉnh ủy vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Nhân lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16.10.1948 - 16.10.2018), Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng ngành Kiểm tra Đảng Quảng Nam bức trướng mang dòng chữ “Trung thành, liêm chính, kỷ cương, tận tụy”.

Nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động

Nhằm góp phần tạo sức bật ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh (khóa XXII), ngành Kiểm tra Đảng Quảng Nam đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ KT-GS theo Điều 30 Điều lệ Đảng và triển khai nhiệm vụ KT-GS của UBKT theo Điều 32 Điều lệ Đảng.

Mục tiêu là tạo nền tảng cho công tác KT-GS của cả nhiệm kỳ với phương châm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT-GS, kỷ luật trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

Theo đó, cấp ủy, UBKT các cấp tăng cường quán triệt, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, UBKT các cấp, cán bộ, đảng viên đối với công tác KT-GS và thi hành kỷ luật của Đảng. Nhận thức là cơ sở, là điểm khởi đầu của hành động, nhận thức đúng thì mới có hành động đúng và nhận thức phải đi cùng với trách nhiệm.

Đồng thời, khi triển khai hành động cần có quyết tâm chính trị cao để có hành động đúng đắn trên thực tế. Từ sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cấp ủy sẽ thúc đẩy chuyển biến nhận thức và hành động của UBKT, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Cấp ủy, UBKT các cấp tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn về công tác KT-GS và thi hành kỷ luật của Đảng đảm bảo khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi; chú trọng đổi mới, cải tiến quy trình để phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Trong đó, UBKT Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác KT-GS và thi hành kỷ luật của Đảng. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Tỉnh ủy về công tác KT-GS, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác KT-GS của Đảng bộ tỉnh trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.

Với sứ mệnh được giao, UBKT các cấp tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ KT-GS theo Điều lệ Đảng quy định. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần chủ động, quyết liệt hơn để góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chú trọng kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, nổi cộm, điểm “nóng”, gây bức xúc trong xã hội, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm như: kinh tế - tài chính; đầu tư công, xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục; việc giải quyết khiếu nại tố cáo và đặc biệt là công tác cán bộ với phương châm KT-GS đi trước, mở đường cho công tác thanh tra, điều tra, truy tố...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO