Nhiều tư liệu quý từ "Hiệp Đức sự kiện và nhân vật"

VÕ VĂN TRƯỜNG 10/06/2022 15:48

(QNO) - Năm 2022 có một dấu mốc đáng ghi nhớ đó là kỷ niệm 25 năm tỉnh Quảng Nam được chia tách từ Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong số 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam thì Hiệp Đức có thêm một dấu mốc đáng nhớ nữa là tròn 50 năm ngày giải phóng (30.4.1972 - 30.4.2022).

Ảnh bìa tập sách “Hiệp Đức sự kiện và nhân vật”.
Ảnh bìa tập sách “Hiệp Đức sự kiện và nhân vật”

“Hiệp Đức sự kiện và nhân vật” (tập 2) đã phản ánh những sự kiện nổi bật của vùng đất con người Hiệp Đức qua các thời kỳ (chưa được phản ánh trong tập 1, đã xuất bản cách đây 10 năm nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng) cũng như giới thiệu những tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động, công tác, chiến đấu, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới.

Tập sách quy tụ nhiều bài viết với tư liệu quý lần đầu tiên xuất hiện trên sách báo, được sưu tra qua tư liệu, sự giúp đỡ, kể lại của các nhân chứng lịch sử, các tầng lớp nhân dân… “Hiệp Đức sự kiện và nhân vật” không chỉ cung cấp thông tin về vùng đất con người nơi đây mà còn có giá trị như những cứ liệu lịch sử mang tính chân xác cao nhất.

Đó là một Đốc Ấm - người con rể chí sĩ Phan Châu Trinh. Ông sinh năm 1898, tên khai sinh là Lê Ấm. Quê làng Phước Sơn nay là khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức. Ông từng tốt nghiệp đại học, có bằng cử nhân, được phong Đốc học và làm thầy giáo dạy học ở Nghệ An rồi vao làm giáo sư Trường Quốc Tử Giám Huế.

Ấm kết hôn với trưởng nữ Phan Thị Châu Liên, con nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Trong số những người con của hai cụ có những người tên tuổi được nhiều người biết đến như Lê Thị Kinh còn gọi là Phan Thị Minh từng làm việc ở Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Italia; Lê Khâm, tức nhà văn Phan Tứ. Đặc biệt những năm tháng rời bục giảng ông Lê Ấm chọn vùng đất mình sinh ra để trở về lập đồn điền phát triển kinh tế với tư duy rất tiến bộ (Người con rể của chí sĩ Phan Châu Trinh trên đất Hiệp Đức – Phạm Lâm).

Đó là câu chuyện lão nông Nguyễn Ban ở xã Bình Lâm. Trong thời kỳ bình dân học vụ ngay sau ngày đất nước vừa giành độc lập năm 1945, từ chỗ không biết chữ lão nông này đã quyết tâm đèn sách để biết chữ. Một tấm gương sáng, một thí dụ điển hình cho việc học tập suốt đời để con cháu noi theo.

Hay tin, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc, đã gửi thư chúc mừng cụ Nguyễn Ban. Trong thư người viết: “… cụ gửi thư cho tôi, tôi biết cụ đã học xong chữ quốc ngữ. Đọc thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn cố gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy, là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam…" (Trích trong bài Nguyễn Ban - Tấm gương học tập của lão nông 77 tuổi của Trần Văn Hải).

Ảnh tư liệu phái đoàn Trung ương do đồng chí Tố Hữu dẫn đầu đến thăm vùng giải phóng ở Hiệp Đức, Quảng Nam 4/1973
Ảnh tư liệu phái đoàn Trung ương do đồng chí Tố Hữu dẫn đầu đến thăm vùng giải phóng ở Hiệp Đức, Quảng Nam 4.1973

Đó là Giáo sư - Kỹ sư hóa học Phạm Đình Ái, quê làng Tây An nay là thôn An Cường, xã Quế Thọ, Hiệp Đức. Ông tốt nghiệp cử nhân khoa học lý hóa tại Paris 1931 loại giỏi và trở về nước dạy học tại Trường Đồng Khánh - Huế (nay là Trường Hai Bà Trưng).

Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam phụ thuộc vào giáo trình, sách giáo khoa do người Pháp biên soạn, GS. Huỳnh Xuân Hãn - một trí thức Việt đã tiên phong soạn thảo Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên. Bộ giáo trình của GS. Hoàng Xuân Hãn đặt nền móng cho các tác giả Việt Nam viết tài liệu khoa học bằng tiếng Việt về sau.

Năm 1945, GS. Phạm Đình Ái được đề cử làm Hiệu trưởng Trường Quốc học kiêm Giám đốc Nha học chánh Trung bộ, ông đã cho tiến hành ngay việc áp dụng một chương giáo dục với tiếng Việt làm chuyển ngữ tại các trường Trung học ở Huế và sau đó cho cả miền Trung. Việc làm này được coi như đóng góp to lớn của GS. Phạm Đình Ái đối với nền giáo dục Việt Nam (bài Giáo sư – Kỹ sư hóa học Phạm Đình Ái” của Nguyễn Văn Hiếu - Trần Văn Huy - Nguyễn Thị Hồng).

Đó là Phó bảng Nguyễn Mậu Hoán, sinh 1877, người làng Phú Cốc nay thuộc xã Quế Thọ, Hiệp Đức. Ông từng là một trong số 17 đốc học Quảng Nam đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quê hương. Đáng chú ý trong suốt 39 khoa thi Hội dưới triều Nguyễn có một khoa thi duy nhất tỉnh Quảng Nam đạt kỷ lục 4 phó bảng (Năm Thành Thái 13, Tân Sửu 1901). Bốn vị phó bảng gồm Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947), Võ Vỹ (1866 - 1907), Nguyễn Mậu Hoán (1877 - 1910), Phan Châu Trinh (1872 - 1926) nằm trong bài Tìm hiểu về Phó bảng Nguyễn Mậu Hoán của Đại tá Võ Văn Thọ.

Đó là Lê Nhiếp quê thôn An Cường, xã Quế Thọ, Hiệp Đức con rể cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau này là con rể phó bảng Nguyễn Đình Hiến. Ông gắn bó nhiều năm với báo Tiếng Dân với hiệu Chuông Mai (bài Lê Nhiếp - Người trợ bút đắc lực của cụ Huỳnh của Võ Văn Trường).

Đó còn là các nhân vật nhiều lĩnh vực khác đã quá cố nhưng có người hiện đang còn sống và cống hiến cụ thể như nghệ sĩ nhân nhân Trần Đình Sanh - con chim đầu đàn của nghệ thuật tuồng xứ Quảng (bài của Trần Ngọc Đức); Đỗ Tơ – Dũng sỹ diệt Mỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Huỳnh (bài của Đặng Văn Tiến);  Nguyễn Huyến - Bí thư chi bộ mẫn cán kiên trung (bài của Trần Ngọc Châu); Phạm Diệp - Tấm gương chiến đấu ngoan cường trong lòng địch (bài của Nguyễn Kim Oanh); Gia đình đại tá Đoàn Văn Danh, anh hùng Lý Thị Cúc (bài của Trần Thị Hằng); Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Chiến (bài của Nguyễn Thị Lệ Huyền)...

Mảng sự kiện với nhiều bài có tư liệu giá trị như “Đường thắng lợi góp phần đưa kháng chiến thắng lợi” của Nguyễn Văn Bá, “Hiệp Đức với căn cứ cách mạng khu 5” của Đào Bội Thuyên, “Việt An - Hội Tường, chi bộ đảng đầu tiên của Hiệp Đức” của Ngô Đình Trí, “Dấu ấn Đoàn Đại biểu quốc hội Quảng Nam trên quê hương Hiệp Đức” của Đoàn Văn Viên, “Đèo Đá bon - Thành lũy kiên cố của Nghĩa hội Quảng Nam” của Nguyễn Phước Niên, “Những tín hiệu vui nhân chuyến thăm của đồng chí Tố Hữu về vùng giải phóng Hiệp Đức” của Thái Bảo Dương Đình, “Hồ chứa nước Việt An - Ý Đảng lòng dân” của Huỳnh Trương Phát…

Tập sách “Hiệp Đức sự kiện và nhân vật” dày 476 trang với 52 bài viết, trong đó có 6 bài viết tổng quan những dấu ấn nổi bật của địa phương, 28 bài viết về sự kiện lịch sử và 18 bài viết về nhân vật tiêu biểu như lời giới thiệu chắc chắn sẽ góp phần lưu giữ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là những ai muốn tìm hiểu về đất và người vùng quê Hiệp Đức.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều tư liệu quý từ "Hiệp Đức sự kiện và nhân vật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO