Quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng ở giai đoạn mới

N.ĐOAN - T.CÔNG - A.NGƯỚC 14/10/2020 09:32

Hôm qua 13.10, thảo luận tại Đại hội, nhiều ý kiến đại biểu đã hiến kế nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 7,5 - 8% của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đặt ra.

Các đại biểu phát biểu thảo luận chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hằng năm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: Đ.C.N
Các đại biểu phát biểu thảo luận chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hằng năm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: Đ.C.N

Tạo động lực tăng trưởng

Nhiệm kỳ qua, vùng động lực đồng bằng, ven biển và trung du miền núi được tập trung phát triển và đẩy mạnh đầu tư. Đặc biệt, vùng đông được đầu tư mạnh để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, công nghiệp, dịch vụ và một số dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ở vùng phía tây, tỉnh có nhiều chính sách như Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về phát triển kinh tế - xã hội miền núi dần đi vào cuộc sống.

Đưa ra nhận định trên khi tham gia thảo luận tại Đại hội, đại biểu Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, định hướng phát triển vùng tây của tỉnh đã mang lại những kết quả nhất định nhưng chưa tạo được đột phá mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Ông Tích dẫn chứng, trong chủ trương phát triển cây dược liệu, tỉnh đã có quy hoạch mở rộng; tuy nhiên, vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ như việc tích tụ tập trung đất rừng trồng sản xuất rất khó, dẫn đến đầu tư hạ tầng chế biến sâu, sản xuất tập trung quy mô lớn chưa thực hiện mạnh mẽ. Thêm vào đó, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông ở vùng nguyên liệu còn manh mún nên cần có quyết sách mạnh mẽ, đột phá. Sắp xếp dân cư đạt hiệu quả cao, đến cuối năm 2020, có thể đạt 7.000 hộ, nhưng có nhiều vấn đề hết sức phức tạp nảy sinh cần giải quyết.

“Ở nhiệm kỳ mới, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần có quyết sách định hướng phát huy tiềm năng lợi thế của ngành nông nghiệp, để ngành có đóng góp tương xứng vào tăng trưởng của tỉnh” - ông Tích nói.

Theo đại biểu Nguyễn Đức - Trưởng ban Ngân sách HĐND tỉnh, tăng trưởng kinh tế ở nhiệm kỳ qua bình quân đạt 9,53%/năm, không đạt so với chỉ tiêu đề ra là 10,5%. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đặt ra từ 7,5 - 8%; trong khi đó, dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. “Thế giới dự báo đến năm 2023 Việt Nam mới phục hồi đà phát triển kinh tế. Do đó, để đạt mức tăng trưởng nêu trên, tỉnh cần có giải pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng, ổn định đời sống Nhân dân” - ông Đức nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói, dự kiến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Khi đó, ngành dịch vụ và du lịch sẽ tăng trưởng trở lại, nhiều dự án mới sẽ được triển khai. Thời gian đến, tỉnh định hướng đẩy mạnh cơ cấu tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hữu cơ, dự kiến tăng 4,48%. Năm 2021 có 13 dự án với tổng vốn 16.500 tỷ đồng đi vào hoạt động, sẽ tạo ra động lực mới để tăng trưởng. Các năm tiếp theo tỉnh cũng sẽ tiếp tục thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài để tập trung nguồn lực phát triển.

“Định hướng của tỉnh tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đưa Quảng Nam tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động. Từ khi chia tách tỉnh đến nay, Quảng Nam luôn duy trì vị trí thứ 2 về tăng trưởng trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung” - ông Tân chia sẻ.

Những cơ hội mới

Năm 2020, dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt thấp. Đây là tình hình chung của cả nước và thế giới do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam dù bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19, song đã có những tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Một số dự án lớn đã xong các bước thủ tục, đến giai đoạn chuẩn bị đầu tư để tiến tới triển khai thực hiện. Các kết cấu hạ tầng then chốt như đường bộ vùng đông với tuyến đường Võ Chí Công thông suốt từ Hội An vào đến sân bay Chu Lai tạo kích thích lớn cho tăng trưởng tiếp theo. Rồi trục kết nối đông - tây qua quốc lộ 1, tuyến cao tốc và các tuyến quốc lộ khác đang có kế hoạch triển khai xây dựng hoàn thiện thời gian sắp tới.

“Giao thông đường bộ là huyết mạch kinh tế, phát triển được giao thông đường bộ thì chắc chắn sẽ kích thích sự phát triển của tỉnh. Trong 5 năm tới, mạng lưới giao thông này sẽ đồng bộ” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ.

Phân tích các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Khu công nghiệp chế biến nông lâm sản của Thaco - Trường Hải đang tích cực giải phóng mặt bằng, dự tính trong năm 2021 được tập trung đầu tư hoàn thiện. Từ đó, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản Quảng Nam, kích thích sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, mở ra cơ hội rất thuận lợi phục hồi tăng trưởng khu vực nông nghiệp. Rất nhiều nhà đầu tư đang mong muốn triển khai các dự án vào Quảng Nam, nhưng chúng ta chưa có mặt bằng. Khó khăn về giải phóng mặt bằng sẽ từng bước được tháo gỡ, nhất là khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung vào năm 2021.

Cảng Chu Lai đang được Thaco - Trường Hải quyết liệt cùng Quảng Nam tập trung đầu tư thành trung tâm về logistics đường biển lớn nhất khu vực miền Trung. Theo đề xuất của tập đoàn, nếu khả năng đón tàu từ 3 - 5 vạn tấn thành hiện thực, tập đoàn sẵn sàng chi 3.000 tỷ đồng đầu tư luồng mới và hệ thống cầu cảng, các điều kiện phát triển. Về du lịch, cơ hội phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vừa ven biển vừa vùng núi rất tốt. Nhiều dự án triển khai vùng đông. Nhiều dự án rất lớn đang được phối hợp tháo gỡ mặt bằng ở khu vực ven biển từ Thăng Bình vào đến Chu Lai, sau khi đường Võ Chí Công xây dựng hoàn thành.

Ở miền núi, ngoài doanh nghiệp FVG tại Đông Giang, còn có 3 dự án lớn tại đây gồm khu tây Bà Nà, suối nước nóng. Phước Sơn và Nam Trà My đang có các nhà đầu tư lớn tìm hiểu thông tin, xúc tiến. Các địa phương ở Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước đang có tiềm năng thu hút du khách từ ven biển, tạo một dòng khách mới đến vùng tây, nhằm khai thác song song cả hai khu vực.

“Con số từ năm 2021, 2022 chưa cao do phục hồi từ đáy lên, song số tương đối về tốc độ tăng trưởng có thể đảm bảo được, tin tưởng rằng tốc độ như Đại hội đề ra có thể thực hiện được” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Tập trung đầu tư cho miền núi

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: T.C
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: T.C

Đối với khu vực miền núi, Nghị quyết 58 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, cộng với giai đoạn 1 của Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XXI) cho thấy 5 nhóm dự án lớn của tỉnh hoàn toàn phù hợp Nghị quyết 58. Đầu tư cho miền núi là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong thời gian tới. Đầu tư cần kiên trì, bền bỉ, có chiến lược, sắp tới đây sẽ phải chấm dứt đầu tư một cách manh mún. Cơ sở tổ chức lại sản xuất miền núi đã hình thành, ví dụ tích cực triển khai trồng rừng gỗ lớn, chế biến viên nén xuất khẩu từ gỗ. Dư thừa từ công nghiệp gỗ sẽ đưa vào viên nén xuất khẩu, còn lại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nhận thức nhân dân miền núi cùng với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế tạo chuyển biến rõ nét trong vài năm gần đây. Nông nghiệp hữu cơ ở miền núi, những nơi không có điều kiện phát triển quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đặc trưng miền núi, tiêu thụ thị trường nội địa, phục vụ xu hướng hiện nay. Đẩy mạnh OCOP, hình thành trung tâm tiêu thụ hàng hóa ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An. Chúng tôi đã làm việc bước đầu với một số doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh để tiêu thụ hàng nông sản chất lượng cao, nhất là sản phẩm của miền núi. Nông nghiệp sẽ có chương trình hành động rất cụ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng ở giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO