Sự "sống còn" của chuyển đổi số

HỮU PHÚC 29/01/2021 09:23

(QNO) - Tại phiên thảo luận các nội dung văn kiện Đại hội XIII ngày 28.1, trong tham luận của các đại biểu đáng chú ý là những phát biểu nhấn mạnh sự “sống còn” của chuyển đổi số, kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: H.P

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Cần làm chủ hạ tầng số”

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên kết nối internet, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đi được một hành trình dài trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.

Nhân viên của Bộ TT-TT theo dõi, kiểm soát tần số điện đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt phục vụ Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.P
Nhân viên Bộ TT-TT theo dõi, kiểm soát tần số điện đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt phục vụ Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.P

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. “Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành thông tin - truyền thông cho rằng, để đạt được kỳ vọng đề ra, trước hết Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số, bởi hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm: hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”.

Trung tâm Báo chí Đại hội XIII.
Trung tâm Báo chí Đại hội XIII. Ảnh: H.P

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Chuyển đổi số làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất truyền thống”

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: H.P

Nêu các định hướng lớn sắp đến, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập đến việc tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sự "sống còn" của chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO