Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

TRẦN HỮU 22/07/2020 11:25

Hôm qua 21.7, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UBND tỉnh tổ chức kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020) và lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng của cả nước. Về phía tỉnh có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: TR.H
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: TR.H

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 73 thân nhân gia đình liệt sĩ ở nhiều địa phương trên cả nước.  

Giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng

Theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận Bằng Tổ quốc ghi công đợt này có nhiều trường hợp liệt sĩ được xác nhận không dựa trên quy trình thông thường mà dựa trên Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20.3.2017 của Bộ LĐ-TB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

Hiện cả nước có 61 nghìn hồ sơ tồn đọng, trong số này Quảng Nam còn 1.066 hồ sơ. Thời gian qua, nhiều địa phương đầu tư tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ với những nỗ lực cao nhất. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ được triển khai quyết liệt.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã tìm kiếm, quy tập được hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia; cùng với việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN, đã góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính liệt sĩ, góp phần làm vơi đi nỗi đau của thân nhân gia đình liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ, con em liệt sĩ khắc khoải đợi chờ.

Nhận Bằng Tổ quốc ghi công vào sáng 21.7, nhiều người đã rơi nước mắt. Ông Tạ Văn Tâm, quê ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ đến nhận Bằng Tổ quốc ghi công nói: “Bản thân tôi vô cùng xúc động. Sự hy sinh của cha tôi cho độc lập, tự do đã được Tổ quốc ghi nhận. Tôi chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo các gia đình có công với cách mạng”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ tháng 7.2019 đến nay, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 580 liệt sĩ và thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội xác nhận và cấp bằng tới đâu thì tổ chức trao ngay tới đó, không để thân nhân liệt sĩ phải chờ đợi. Qua 3 năm thực hiện (2017 - 2019), Bộ LĐ-TB&XH đã trình công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, công nhận hơn 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Hãy Sống sao xứng với người đã khuất!

Tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công ngày 21.7, Ban tổ chức còn trao biển tượng trưng hỗ trợ xây dựng 20 nhà tình nghĩa cho gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ; trao 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại Quảng Nam. Trước đó, đoàn công tác của Đảng, Nhà nước và Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã đến dâng hoa, viếng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất mẹ, nhiều người trở về không còn lành lặn hoặc bị di chứng nặng nề của chiến tranh. Cho nên, thế hệ hôm nay hãy sống sao cho xứng với những người đã khuất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, suốt 73 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác thương binh - liệt sĩ, người có công và thân nhân người có công; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, địa phương làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, người có công. Thực tế việc xác định thông tin hồ sơ người có công với cách mạng rất phức tạp. Trong đó có nhiều hồ sơ không còn giấy tờ gốc.

“Tôi đề nghị cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi xã hội cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Trong đó, chuẩn bị thật tốt dự án pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tới đây. Đồng thời sớm giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng, thực hiện ngày càng tốt hơn việc xác nhận đối với những người có công với cách mạng, góp phần bù đắp đau thương, mất mát của người có công và gia đình” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO