Xây dựng chính quyền số

VINH ANH 22/08/2020 07:41

Đề án tổng thể phát triển công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý từ các sở, ban ngành, địa phương để báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết triển khai. Báo Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT xung quanh việc xây dựng đề án này.

Yêu cầu tất yếu

* Xuất phát từ những yêu cầu, cơ sở thực tiễn nào để đi đến việc Quảng Nam triển khai xây dựng đề án này, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quảng. Ảnh: VINH ANH
Ông Phạm Hồng Quảng. Ảnh: VINH ANH

Ông Phạm Hồng Quảng: Chính phủ đã xác định nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 - 2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong xu thế chung đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số.

Những năm qua, Quảng Nam đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành CQĐT. Qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cũng như để tiếp tục khai thác hiệu quả, kế thừa và phát triển các kết quả, thành tựu đã đạt được của các chương trình đầu tư ứng dụng CNTT, đồng thời xác định cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội, động lực để Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng CQĐT. Từ đó góp phần đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số, việc đầu tư đồng bộ - bài bản dự án là yêu cầu cấp thiết.

Xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của chính quyền. Ảnh: VINH ANH
Xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của chính quyền. Ảnh: VINH ANH

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng cơ sở hạ tầng CNTT của Quảng Nam hiện nay?

Ông Phạm Hồng Quảng: Về hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh, đến nay sóng thông tin di động đã phủ 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, đường truyền cáp quang đến 96% số xã. Về hạ tầng CNTT, hầu hết đơn vị đều có hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN), kết nối internet băng thông rộng. Tuy nhiên, hệ thống mạng, máy tính tại một số đơn vị chưa đồng bộ, xuống cấp, chưa quản lý kết nối tập trung; các xã miền núi, thiết bị tin học, máy tính còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số xã của tỉnh chưa có cáp quang, kết nối internet qua mạng 3G, tốc độ không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đến cấp cơ sở.

Theo mục tiêu đề án, đến 2023, phấn đấu 100% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền số được xác thực định danh điện tử; trên 50% tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... Đến 2025, 100% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các đơn vị được trao đổi dưới dạng điện tử có sử dụng chữ ký số (trừ văn bản, tài liệu dạng mật); đảm bảo 60% người dân, 100% doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hành chính công của Quảng Nam mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện, nhanh chóng… Dự kiến kinh phí thực hiện dự án khoảng 908 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ là vốn ngân sách nhà nước, 408 tỷ đến từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và các nguồn hợp pháp khác...

Thời gian qua, Quảng Nam đã đầu tư xây dựng và vận hành các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung bao gồm: Hệ thống mạng WAN, hiện tất cả sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kết nối vào mạng diện rộng của tỉnh (WAN). Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư xây dựng mới, đang vận hành ổn định, phục vụ việc cài đặt các ứng dụng như thư điện tử, Q-office, cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin các đơn vị, hệ thống một cửa điện tử liên thông… Hệ thống hội nghị truyền hình bao gồm 36 điểm cầu.

Không thể chậm trễ

* Để đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số trong giai đoạn 2021 - 2025, cần phải đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT của tỉnh như thế nào?

Ông Phạm Hồng Quảng: Do xu thế phát triển của công nghệ, yêu cầu về triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý ngày càng nhiều, khối lượng dữ liệu điện tử phát sinh trong quá trình tác nghiệp, vận hành các hệ thống ngày càng tăng, đòi hỏi năng lực đáp ứng của hạ tầng CNTT ngày càng cao. Trong khi hạ tầng CNTT của tỉnh còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT của tỉnh để đáp ứng yêu cầu về triển khai chính quyền số là yêu cầu cấp thiết.

Theo đó, cần xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu đảm bảo năng lực triển khai nền tảng, ứng dụng và cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh; xây dựng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng WAN của tỉnh kết nối đến cấp xã; nâng cấp hạ tầng CNTT, hệ thống bảo mật cho các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự và giám sát giao thông toàn tỉnh… Ngoài ra, theo định hướng của Bộ TT-TT, trong năm 2020 các tỉnh phải triển khai vận hành trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) toàn tỉnh. Phát triển nền tảng, hệ thống, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số cho CQĐT luôn đi kèm với việc giám sát và đảm bảo an toàn thông tin để việc sử dụng thông tin đúng mục đích, không bị sai lệch thông tin, tính toàn vẹn chống chối bỏ của thông tin, chống tấn công chiếm giữ thông tin và các hoạt động phá hoại khác... Việc hình thành trung tâm giám sát SOC toàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các yêu cầu trên.

* Vậy, để triển khai thành công các nội dung của đề án, đạt được các mục tiêu đề ra, cần những các giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quảng: Thứ nhất cần xây dựng các giải pháp cải cách hành chính công của tỉnh và rà soát, tối ưu hóa, đổi mới phương thức cung cấp các dịch vụ công. Cụ thể hóa và thể chế hóa các chủ trương, chính sách, quy định về ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CQĐT và chính quyền số của tỉnh. Thứ hai, việc tổ chức thực hiện đề án cần thống nhất từ cấp tỉnh đến các địa phương; HĐND tỉnh xem xét và phê duyệt đề án để thống nhất nhận thức chủ trương, tổ chức triển khai thực hiện. Thứ ba, cần hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách để thực hiện CQĐT tại các sở, ban, ngành, địa phương đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có một cán bộ lãnh đạo CNTT và tối thiểu 1 cán bộ chuyên trách về CNTT để tổ chức việc triển khai, vận hành, khai thác, ứng dụng các hệ thống thông tin, các nội dung trong đề án. Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao văn hóa khai thác và ý thức sử dụng CNTT từ gia đình đến nhà trường, xã hội; xây dựng chính sách truyền thông, hỗ trợ đào tạo không chính khóa cho người dân…

Để đề án được thông qua cần khắc phục nhiều yếu tố

Theo ông Phạm Hồng Quảng, hiện nay các xu thế công nghệ thay đổi, phát triển nhanh chóng nên đề án rất khó định hướng lựa chọn nội dung đầu tư và giải pháp công nghệ phù hợp. Trong khi đó, trung ương chưa có các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về mô hình, yêu cầu kỹ thuật, định hướng giải pháp công nghệ đối với việc triển khai chính quyền số, đô thị thông minh. Ngoài ra, việc triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng điều hành tác nghiệp, phần mềm chuyên ngành cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi cán bộ công chức phải thay đổi thói quen xử lý hồ sơ trên giấy sang xử lý hồ sơ công việc qua mạng, đòi hỏi cán bộ công chức phải có kỹ năng CNTT. Tuy nhiên, hiện nay, đối với cấp xã, đặc biệt là khu vực miền núi, trình độ CNTT của cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT của tỉnh còn hạn chế... Đặc biệt, do yêu cầu về kinh phí để thực hiện đề án tương đối lớn nên việc cân đối ngân sách, huy động các nguồn vốn để triển khai cũng là vấn đề khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO