Qua các giải đấu của các địa phương, không quá khi nói rằng tổ chức các hoạt động thể thao phong trào tại cơ sở không khó. Rất nhiều địa phương, chẳng hạn như Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn hay Tam Kỳ tổ chức giải bóng đá hoặc bóng chuyền thì tất cả đội bóng xã, phường đều góp mặt. Bóng đá xã, phường nhưng phần lớn địa phương đều tổ chức bán vé, số tiền thu được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tổ chức giải cấp tỉnh thì hoàn toàn ngược lại. Ngay cả bóng đá - môn thể thao vua nhưng giải tỉnh những năm qua cũng không được nhiều địa phương mặn mà trong việc tham gia. Còn các môn thể thao khác, thật sự khó thu hút nhiều người xem dẫn đến một số giải đấu rơi vào tình cảnh “chợ chiều”. Ít đơn vị, vận động viên (VĐV) tham gia, khán đài vắng khán giả làm cho không khí giải đấu buồn tẻ, thiếu sinh khí của một hoạt động thể thao.
Hầu hết khán giả trên khán đài giải Taekwondo tỉnh Quảng Nam là những VĐV chờ đến lượt thi đấu.Ảnh: T.T.VY |
Nhân đề cập chuyện này, xin trở lại giải Vô địch Taekwondo tỉnh Quảng Nam tổ chức cách đây 2 tuần. Giải có 14 nội dung nhưng có chưa đến 50 VĐV dự tranh khiến cho nhiều nội dung lèo tèo 2 hoặc 3 VĐV. Được hỏi vì sao một số nội dung chỉ có vỏn vẹn 2 VĐV tham gia, một cán bộ ngành TD-TT cho rằng, nếu không tổ chức thi đấu thì việc kéo quân về Tam Kỳ và công lao tập luyện trước đó của các VĐV “đổ sông đổ biển” cũng tội nghiệp (!?). Thế nên, dù biết sẽ kém hấp dẫn khi VĐV chỉ đánh 1 trận và thắng là có huy chương vàng nhưng ban tổ chức cũng đành chấp nhận cho thi đấu.
Nhưng không chỉ Taekwondo, môn thể thao truyền thống hấp dẫn và giải đấu đã khẳng định thương hiệu nhiều năm qua là đua thuyền trước đó cũng không thu hút được nhiều thuyền đua của các địa phương tham gia. Năm 2014, giải có 22 thuyền đua nam và thuyền đua nữ của 10 huyện, thành phố tham gia, gồm Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình, Hội An, Tam Kỳ, Phú Ninh, Quế Sơn, Hiệp Đức, Đại Lộc, Điện Bàn. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi giải năm 2015 tổ chức tại Núi Thành chỉ còn có 4 địa phương góp mặt là Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc và Núi Thành trong đó chủ nhà chiếm hơn một nửa số lượng thuyền đua. Những địa phương có phong trào mạnh và thường xuyên góp mặt như Tam Kỳ, Hội An và nhất là Duy Xuyên, nơi luôn có nhiều thuyền đua nhất trong các địa phương nhưng không hiểu sao lại đứng ngoài “cuộc chơi” sông nước hấp dẫn này?
Giải cấp tỉnh không thu hút được nhiều địa phương không có nghĩa là phong trào tại cơ sở yếu kém. Sau giải Taekwondo vừa qua, đại diện một số câu lạc bộ Taekwondo cho rằng bản thân câu lạc bộ cũng như các VĐV rất mong muốn có dịp để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, do không có thông tin về giải nên không thể có mặt. Còn nguyên nhân khó khăn về kinh phí chỉ là một phần bởi thực tế, có địa phương đầu tư cả trăm triệu đồng để tham gia giải đua thuyền trong khi kinh phí dự giải Taekwondo khá ít. Cũng có thể do những quy định của ngành và cách tổ chức của ban tổ chức chưa hợp lý. Thực tế những giải đấu phối hợp với các đơn vị khác, chẳng hạn với Liên đoàn Lao động tỉnh (giải bóng đá công nhân viên chức lao động tỉnh Quảng Nam) hay Hội LHPN tỉnh (giải bóng chuyền nữ tỉnh Quảng Nam) đều có mặt gần như đầy đủ các địa phương, đơn vị tham gia với quyết tâm “màu cờ sắc áo” rất cao. Trong khi đó, một số giải đấu, không ít địa phương “làm lơ” hoặc tham gia theo kiểu cho có mặt. Để các giải thể thao cấp tỉnh hấp dẫn và thu hút nhiều địa phương, đơn vị tham gia, có lẽ cần phải có sự thay đổi nhiều thứ mà trước hết là cách thức tổ chức của ban tổ chức và tư duy của những người làm công tác TD-TT các địa phương.
AN NHI