Nhìn ông cẩn thận, dứt khoát múa bút lông trên giấy dó, rồi gật gù vừa ý khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh trong câu thơ của Đoàn Văn Cừ: “Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”...
Niềm vui tuổi già
Lương y Nguyễn Anh Dũng ở Bà Rén (Quế Sơn), sinh năm 1925, năm nay đã cận kề tuổi cửu thập nhưng dường như tuổi tác không làm vơi niềm đam mê cho chữ của ông. Cho chữ trong bất kỳ trường hợp nào, ông cũng hỏi rõ ngọn ngành, rằng chữ dùng vào việc gì, rồi tìm hiểu sử sách, sau đó mới phóng bút. Chữ Phúc, chữ Tâm, chữ Nhẫn... tưởng như rất dễ với người đã hơn nửa thế kỷ viết thư pháp như ông nhưng không hẳn vậy. “Phải viết với niềm đam mê, với tình cảm và tấm lòng đối với người xin chữ, chữ viết mới có hồn, có thần” - ông bảo vậy.
Ông Nguyễn Anh Dũng. |
Người đến xin chữ ông để treo, nhiều lắm. Nhưng nhiều hơn cả là xin chữ để thờ, xin câu đối, liễn để ở đình chùa miếu mạo. Và hình như ông chưa bao giờ từ chối bất cứ ai. Mới đây, con cháu của Định quốc công Nguyễn Bặc (công thần thời Đinh Tiên Hoàng) đến ông xin chữ để làm liễn thờ tại đền thờ mới xây ở TP.Đà Nẵng. Nghiền ngẫm mãi, ông viết hai câu: “Bổn xuất Do Miêu bá tải can thường vô dịch dị; Khai thành Đà Quảng ức niên đạo nghĩa hữu uyên nguyên” (dịch nghĩa: Gốc ra đi ở Do Miêu trăm năm can thường không đổi khác; Mở thành tựu tại Đà Quảng ngàn năm đạo nghĩa giữ nguồn trong). Có người đến xin chữ để treo mừng con trai xây được nhà mới, ông cho chữ “Khóa táo” (Con hơn cha là nhà có phúc). Là người theo Nho học, nhưng với ông, quan niệm “Lão giả an chi” (tuổi già sống an nhàn, yên phận) đã lỗi thời. Bởi lẽ, hiện ông vẫn còn truyền dạy nghề bốc thuốc và dạy viết thư pháp bằng chữ Nho cho những người trẻ cắp vở xin thọ giáo. Ông vui mừng nói: “Nhờ có mấy cháu đam mê thư pháp đến xin học chữ mà tôi hết nỗi lo sợ thất truyền thư pháp chữ Nho. Tuổi già của tôi nhờ đó cũng vui và ý nghĩa hơn”.
Chữ “Tâm”, chữ “Nhẫn”, thủ pháp của ông Dũng.Ảnh: CHÂU NỮ |
Duyên nghiệp với chữ
Với lương y Nguyễn Anh Dũng, cho chữ là làm việc thiện, cũng như việc ông bốc thuốc chữa bệnh hàng ngày. Niềm đam mê thư pháp đã thấm vào huyết quản ông như là duyên nghiệp nên tuy tuổi đã cao, sức đã vơi nhiều nhưng ông vẫn ngày ngày cho chữ. Và như thế, ngày ngày ông tiếp nhiều lượt khách phương xa từ các nơi trong và ngoài tỉnh đến xin chữ theo lẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. |
Hỏi nguyên do đến với chữ, ông bồi hồi nhớ lại thời thơ ấu của mình. Sớm mồ côi mẹ, 7 tuổi ông được ông bà ngoại đón về nuôi. Năm 10 tuổi, ông ngoại ông (là thầy giáo dạy trường làng) dạy ông học chữ và tập viết chữ Nho. Nhưng việc học gián đoạn vì hoàn cảnh. Mãi đến năm 42 tuổi, ông mới được thầy Nguyễn Đại Quế (quê Duy Xuyên) vừa dạy bốc thuốc vừa dạy chữ (khi thầy Quế qua đời, ông lập bàn thờ và đến nay vẫn thờ thầy vì thầy Quế không có vợ con). Có năng khiếu, cộng với niềm đam mê, chăm chỉ, ông nhanh chóng tiếp thu những gì thầy đã dạy. Ông bảo: “Chính cái nghèo đã tiếp thêm ý chí cho tôi học hành mau tiến bộ, để tôi có được như hôm nay”. Ngày trước ông được thầy tận tâm truyền thụ nghề bốc thuốc, viết chữ như thế nào, bây giờ ông cũng tận tâm truyền dạy học trò như thế ấy. Đó là cách đền ơn trả nghĩa cho thầy theo cách của ông. Trong số những học trò của ông, có thể kể những người đã thành tài và đều làm trong ngành đông y như Hồ Kỳ Phong (Chủ tịch Hội đông y Phú Ninh), lương y Võ Chương Đào (Tam Kỳ). Con cháu ông phần lớn theo nghề kinh doanh, chỉ có con trai út là Nguyễn Thế Thảnh theo nghề ông và hiện là Phó Chủ tịch Hội Đông y Quế Sơn. Anh Thảnh tâm sự: “Cha tôi đã truyền dạy tất cả những gì ông biết cho tôi và các học trò nhưng cơ bản tôi chỉ học được nghề bốc thuốc. Riêng khoản thư pháp, viết liễn, tôi cố gắng nhiều nhưng chưa theo kịp cha mình”. Hơn ai hết, anh Thảnh hiểu rằng muốn “theo kịp” cũng khó. Bởi “ông đồ già” 90 tuổi thông thạo chữ Nho vẫn ngày ngày tiếp tục học viết chữ, đọc sách và lúc nào cũng có quyển tự điển Hán - Việt bên cạnh.
Cuộc trò chuyện giữa ông và tôi phải gián đoạn nhiều lần. Khi thì có người đến xin chữ treo ở nhà thờ, khi thì có người đến xin liễn để trên bia mộ, khi thì có người xin chữ để treo mừng nhà mới, để treo đón tết. Càng về cuối năm, người vào ra xin chữ ở nhà ông càng nhiều, càng nhộn nhịp...
PHAN LÊ CHÂU NỮ