Nhà tôi “cận giang” mà chẳng “cận thị”, thậm chí quá xa “thị” nữa là đằng khác. Cho nên muốn đi chợ phải mất ít nhất một buổi, tất nhiên là cuốc bộ thôi. Vì thế, bao nhiêu cái sự cần phải sắm sanh ở chợ thường được sắp hẳn ra thành danh mục để “đi luôn một thể”. Ngày kỵ giỗ thì hẳn rồi, phải đi riêng thành một chuyến, không phải một mà nhiều người cùng đi. Mua “đồ” về chạp mã hay đám cưới thì cần nhiều người đi hơn và đi nhiều lần, mỗi người mua một số thứ. Thường, mua xong về kiểm đếm thiếu thứ này thứ nọ, phát sinh phải mua thêm thứ nọ thứ này, lại đi chợ tiếp. Mệt nhưng mà vui, thậm chí vui hơn cả tết!
Nhà tôi con đông, tôi lại là con đầu nên phải bồng ẵm hết đứa em này đến đứa khác, nhọc vô cùng. Mỗi ngày, ba mẹ có làm đồng nhưng cũng quẩn quanh trong xứ Đồng Lé, xa chút thì qua bên kia sông - phía Mã Dằm, nửa buổi là phải quay về “lo nước nửa buổi” nên không có cảm giác thiếu hụt, trống vắng người lớn. Buổi sáng, mới loay hoay một tí mẹ hay ai đó đã về lo nửa buổi. Buổi chiều cũng vậy, thấy an tâm. Ngày có chợ thì khác. Đi chợ Đồn hay Hương An, Mộc Bài còn đỡ chứ đi chợ Bà hay Nồi Rang thì phải đi từ hồi 4 - 5 giờ sáng. Mà phải đến trưa trật mẹ mới về. Thức dậy nghe em khóc là thấy mọi chuyện rối như canh hẹ! Mắt nhắm mắt mở thân mình còn lo chưa xong đã phải “cưu mang” mấy nhóc em nên rất dễ đổ khùng! Rồi, thời gian còn lại cứ loanh quanh ra ngõ ngóng mẹ về. Có bữa em thèm sữa hay những ngày em đau ốm, cứ khóc ngằn ngặt thì ruột gan nào có khác chi đống lửa nấu bánh tét ngày tết! Nhiều bữa em khóc quá, dỗ không nổi đành phải… khóc theo. Tôi lại có đứa em hay bị động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn và ngã ra bất tỉnh. Không ít lần phải chịu cảnh em lên cơn khi mẹ đi chợ, nhà chẳng có ai. Nhiều lần đang ẵm em chạy chơi cùng bọn nhỏ trong xóm, em tự nhiên lên cơn rồi… mềm oặt trên tay. Tất nhiên chỉ còn cách chạy đại vô nhà hàng xóm gần nhất để nhờ cứu chữa. Chính vì thế mỗi phiên chợ mẹ đi là trong lòng tôi cứ như phải lửa đốt.
Nhưng bù lại, lần nào chợ về mẹ cũng có quà. Đó là phần thưởng tuyệt vời dành cho những ngóng đợi dài cả cổ của mấy anh em bọn tôi. Đi chợ Mộc Bài mẹ thường mua mía tím. Mía được đẵn ra từng đoạn nhỏ và dùng lá mía buộc lại thành từng bó, mỗi bó chừng 5 - 7 đoạn. Về chia, mỗi đứa mỗi bó khỏi lo mất công bằng. Nhưng cũng có đứa phân bì bó lớn, bó nhỏ, bó dài, bó ngắn, ba tôi phải nạt mới thôi. Chợ Bà hay Bàn Thạch thì “chuyên trị” kẹo ú. Những viên kẹo ú nhọn bốn góc gói trong mẩu lá chuối. Bữa nào mẹ về sớm còn ngon lành chứ về trễ thì kẹo đã… chảy nước ướt hết phần bột bọc bên ngoài, cầm trên tay nghe dinh dính. Nhưng không sao, cứ nhanh chóng đưa vào miệng là viên nào cũng giống nhau. Đi chợ Hương An thì có món kẹo cớm làm bằng nếp rang chín và đường đã thắng sẵn. Kẹo cớm được cắt ra từng khối vuông, khi thì bọc sẵn trong bao ni lông, khi thì gói trong lá chuối như gói kẹo ú. Kẹo đậu phụng thì chợ nào cũng có nhưng mẹ ít hay mua, hình như mẹ… ít tiền thì phải. Mẹ tôi lại nói, kẹo đậu phụng mình làm được, lâu lâu làm một bữa cả nhà ăn chung cho… đã. Đó là những món “thường xuyên” lần nào cũng có. Đôi khi, mẹ “đổi món” sang bánh in, kẹo chanh hay các thứ hằm bà lằng khác, nhiều khi chẳng biết tên. Riêng có một thứ bọn tôi rất thèm nhưng chẳng bao giờ mẹ mua được, đó là cà rem. Bởi, mua về đến nhà chắc chắn chỉ còn lại mỗi chiếc que...
Một thời niên thiếu trôi qua cùng với vui buồn và… chiến tranh. Đứa em hay bị động kinh cũng mất sau đó vài năm. Nhà không còn ở chốn cũ. Mấy anh em mỗi đứa một nơi. Nhiều khi nhớ và muốn tìm một thời quá vãng nhưng đành bất lực. Ngay cả những món quà chờ mẹ đi chợ mua về cũng chỉ còn trong ký ức.
Nhiều thứ trong mớ quà quê ấy, giờ chẳng thấy nữa!
LÊ TRÂM