Cuộc đi nào cũng sẽ mang cảm giác của chia cắt. Dẫu thầm lặng. Nhưng thà ra đi, còn hơn ở lại, trong thắc thỏm, lo âu…
Nhà cửa, đường sá luôn ở trong trạng thái... tạm bợ. |
Họ là gần 200 hộ dân của khối phố Hà My Đông B, phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn). Gần 15 năm, từ ngày có quyết định nơi đây sẽ hình thành nên Khu du lịch Làng Chài, dân khổ sở chờ một quyết định rạch ròi.
Người làng biển
Ở bên trùng khơi, sóng to gió cả. Nên con người cũng khảng khái và hào hiệp như biển trời. Không một ràng buộc nào của con người ở trước biển. Nhưng đó, là chuyện của những anh làm văn chương nghệ thuật, của lời tình ca dáng hình duyên hải mà Phạm Duy viết: “Đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình (dương). Nghìn trùng dương hát câu lành”. Còn khi đã nặng nợ trần, như kiểu áo cơm vá víu, con cái níu bên này bên nọ, thì sao mà không nghĩ, không tính toán trước mỗi chuyến đi. Tôi quên sao được cái lưng trần nám nắng, loang lổ vệt đen vệt sậm của ông già một lần vô tình gặp ở bãi Thống Nhất, cũng nằm khu vực Điện Dương này. Khi ấy, tình hình biển đảo hơi căng, ông giăng một tấm lưới ngược nắng mà gỡ mắc, bảo rằng mấy thằng con mình, đứa nào cũng muốn đi khơi xa. Biển trời thì vô tận, tưởng vậy, mà bây giờ đến ngư trường của mình cũng bị đoạt giật, khốn khó muôn trùng. Kiếm miếng cơm ăn, may mắn có chút bổi, nhưng lộc ngư dân có thấm gì so với chút làm ráng của thiên hạ. “Khó quá. Làm cái đời dân biển đã đủ phong ba, chừ còn phải chọi với lòng người. Sao chịu thấu?”. Vậy mà vẫn tặc lưỡi mưu sinh ngày này tháng nọ, như muốn bảo rằng, sống chết có số, giàu nghèo cũng có số cả đó thôi…
Những người dân nói rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc thay đổi, từ hơn 10 năm trước. Không dám sắm sanh mỗi khi tết đến, tường thì gió biển đã làm bong tróc, vẫn không muốn quét tước lại. Đợi mãi, mỗi lần ai đến thăm nhà cũng nói bóng gió rằng sắp dời đi, thông cảm nhà cũ. |
Gần 200 hộ, nhà xoay về hướng biển. Gió lồng lộng thốc vào từng căn nhà xây cất tạm bợ. “Chứ ai cho xây dựng kiên cố? Làm một cái nhà để ở, mà phải làm chui, làm trộm. Thiệt tình chỉ để ở, không mong một hào một cắc đền bù” - ông già từng vào chiến ra trận Trần Văn Thông, nói như phân trần. Mà có ai cần ông lý giải cho sự mọc lên, cơi ra của những căn nhà tạm bợ đâu. Trời cho con người ta khả năng đủ nhớ những điều bình dị. Và càng như cứa sâu vào ngăn nhớ cái đợt đo đạc, cắm mốc, dỡ bỏ mái này lều kia… của chính quyền hơn 10 năm trước.
Nỗi niềm tạm bợ
Mười lăm năm, đứa nhỏ nhất giờ cũng đã là thanh niên. Cũng từng ấy thời gian, một người cựu chiến binh, cựu TNXP, không hề biết từ nan như ông Trần Văn Thông đã thành một ông lão mắt nhòe đục hơi sương. Mỗi năm, nỗi trầm tư như dày dặn thêm lên, cho đều với những nếp nhăn. Dải đất đai nằm ven biển đó, đã bao đời rồi, từ thời ông cụ kỵ. Làng mạc đó, cũng đã bao phen ngã đổ và dựng lại. Lần sau, thì “dã chiến” hơn lần trước. Mà người ở xứ này, cũng thiệt kỳ, cứ chấp nhận ở vậy, trong những vuông nhà nhỏ, đơn sơ, lam lũ. Nếu là người ở đâu tới, hẳn nghĩ những ngôi làng này, chắc mới hình thành nên, chớ có gì minh chứng cho một vùng đất lâu đời đâu. Vậy mà ông Thông nói, coi vậy, chớ lịch sử của nó, cũng oai hùng, cũng đau thương kém chi mấy vùng “cát cháy” Thăng Bình. Hai vụ thảm sát của lính Mỹ và Đại Hàn còn dấu tích ghi lại bằng bia tưởng niệm, vẫn hằn trong nếp nhăn những người già. Mấy lần trắng làng, trắng dân, giải phóng về phải làm lại từ đầu, vẫn còn nguyên đó, chớ đi đâu. Chỉ riêng xóm Đông, bến ông Dậu, 70 hộ thì đã trọn 70 gia đình cách mạng, 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tháng 4 âm lịch hằng năm, nhà nào cũng giỗ. Những giỗ kỵ trùng ngày dành cho những anh hùng lịch sử.
Nhiều nhà ở xây dựng dở dang. Ảnh: SONG ANH |
Còn bây giờ, nhiều người ở đây vẫn là dân biển, sống bằng nghề đi biển. Nên những cuộc đi với họ, tất nhiên không đến nỗi cùng quẫn như những cuộc tái định cư cho người nông dân. Bởi đi đâu, thì họ cũng chỉ gắn với nghề biển. Và chắc cũng đã quen với nhịp sống luôn phải đối mặt, khi biển lặng, khi gió thốc, khi dầu tăng dầu giảm, khi thương lái bất chợt quay lưng… Mấy năm này, họ còn thêm nghề… làm du lịch. Là ăn theo thôi, chớ biết gì đâu đến book tour hay homestay. Họ buôn gánh bán bưng dọc biển, bằng những sản vật mình bắt được trên biển. Họ bày nhau cách tổ chức các phòng tắm, phòng vệ sinh, nhà giữ xe cho cư dân nơi khác tắm biển vào mỗi chiều hè… Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời, bằng cách nương tựa vào nhau, ở dải đất ven biển của cha ông. Và họ, đã chuẩn bị tâm thế cho một cuộc đi, dĩ nhiên với mong muốn điều kiện sống tốt hơn, từ đầu những năm 2000.
Dân hỏi, ai trả lời?
Năm 2002, lần đầu tiên cư dân làng biển Hà My biết rằng vùng đất mình đang ở, vài năm nữa, sẽ thành Khu du lịch Làng Chài. Trên diện tích gần 22ha, từ đó đến nay, đã có 4 nhà đầu tư thay phiên nhau đổi vai làm chủ. 186 hộ thuộc diện di dời. Và cũng từ năm 2002, huyện Điện Bàn ra quyết định không cấp thêm sổ đỏ cho bất kỳ người dân nào tại khu vực đã được quy hoạch. Gần 15 năm, không được phép xây dựng, cơi nới nhà cửa, đất đai. Ông Nguyễn Được, thương binh hạng 4/4, hay ngay cả nhà ông Trần Văn Thông, cả 3 - 4 thế hệ phải sống chen chúc trong một ngôi nhà ẩm thấp, chật chội. Những người dân nói rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc thay đổi, từ hơn 10 năm trước. Không dám sắm sanh mỗi khi tết đến, tường thì gió biển đã làm bong tróc vẫn không muốn quét tước lại. Đợi mãi, mỗi lần ai đến thăm nhà cũng nói bóng gió rằng sắp dời đi, thông cảm nhà cũ.
Không chịu được, nhiều gia đình cho con ra riêng. Đang đêm phải đi làm nhà. Làm chỉ 1 - 2 bữa là xong, rồi dọn vô ở. Chính quyền chắc biết cũng làm lơ, bởi xử lý thì khó cho dân quá. Vậy mà cũng đã ở được 5 - 6 năm tròn. Dân ở đây biết làng của mình phải sửa lại thôi, phải sắp xếp, phải quy hoạch cho đẹp với địa hình. Khi ở giữa con đường nối một khu di sản thế giới và một “thành phố đáng sống” - đô thị loại 1 Đà Nẵng, thì sao để một khu làng nhếch nhác, nhà cửa tạm bợ như vậy được. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy dự án triển khai. Mới đây, tháng 11.2015, khi Điện Bàn lên thị xã, 186 hộ dân được gọi họp mặt. Mọi thỏa thuận đền bù đã xong xuôi. Mà có lẽ nó xong từ hơn 10 năm trước. Khi đó, ông Thông, ông Được nêu lên câu hỏi, mà chủ đầu tư chỉ cười, nếu Nhà nước đã có thời gian cấm không cấp bìa đỏ, thì phải trả lời cho chúng tôi biết giới hạn bao nhiêu năm thì hủy dự án, để tiếp tục cấp phép xây dựng cho chúng tôi? Nếu 6 tháng hay 1 năm dự án không thực thi thì đề nghị Nhà nước có thể thu hồi đất từ chủ đầu tư để chúng tôi có cơ hội làm ăn, vậy có được không? Tôi hỏi ông Thông, vậy cuối cùng ai trả lời ông? Ông nói chờ tới cuối buổi không thấy ai trả lời.
Mà chuyện quy hoạch treo, thì đầy ra đó. Ngay trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ, từ sau ngày tách tỉnh, đã có nhiều dự án quy hoạch, sắp xếp dân cư. Áng chừng hơn 15 năm, nhiều hộ dân của phường Tân Thạnh, cũng đã mòn mỏi chờ đợi câu trả lời từ chính quyền, rằng nếu đã đưa ra bản quy hoạch, thời gian bắt đầu, thì cũng nên cho người dân biết thời gian khi nào kết thúc dự án. Thất bại, hay thành công, người dân đều có hướng để xoay xở với chính vuông đất của mình. Trở lại với Điện Dương, sau cuộc họp vào cuối năm ngoái, chuyện đất đai có vẻ nóng lại. Nhưng không biết, có phải nó lại như một cơn sốt cao, hầm hập một chặp, rồi tắt lịm. Và họ, lại phải… tiếp tục chờ.
Sức chịu đựng của người dân, đôi khi thánh thần cũng phải nghiêng mình!
Ghi chép của SONG ANH