Đã thành “lệ”, mỗi khi vào hè, những chuyến đi thực tế sáng tác của giới văn nghệ lại trở nên nhộn nhịp. Trải nghiệm từ mỗi chuyến đi sẽ là nguồn cảm xúc, động lực để họ sáng tạo, để tác phẩm mang hơi thở cuộc sống...
Đã “đi” là “đến”
Thay vì đi tập trung, năm nay nhiều hội viên các Chi hội Nhiếp ảnh, Văn học Quảng Nam đi thực tế sáng tác riêng lẻ hoặc theo nhóm nhỏ. “Điểm đến” của họ chủ yếu là các sự kiện du lịch trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam điểm đến du lịch xanh, cùng với đó là các sự kiện văn hóa, lễ hội tại các địa phương trong tỉnh.
Với cách đi này, tính độc lập trong sáng tạo được phát huy. Và trên thực tế, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có được những tác phẩm mới với những góc nhìn rất riêng; một số tác giả văn học đã có những bài thơ, bút ký nóng hổi hơi thở cuộc sống...
Theo nhìn nhận của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, khi chọn cách đi riêng lẻ, mỗi người sẽ có cơ hội theo đuổi, khai thác đề tài, nhân vật mà mình ấp ủ, chọn lựa từ trước mà không gây ảnh hưởng đến người khác và ngược lại, cũng không bị tác động từ các hoạt động của đồng nghiệp.
Cũng từ cách đi thực tế kiểu này, dự báo là việc chọn lựa tác phẩm ảnh để tham gia các cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật sắp tới sẽ đỡ vất vả hơn, do sự trùng lặp, gần giống nhau về khuôn hình và đối tượng sáng tác đã được loại trừ.
Cũng vậy, để chuẩn bị cho Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 27 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8 tới, gần 2 tháng nay nhiều hội viên của Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam đã tự mình đi thực tế tại một số nơi trong tỉnh.
Họa sĩ Ngô Văn Phúc chuyên sáng tác tranh khắc gỗ, cho biết Mỹ Sơn đối với anh không hề xa lạ, nhưng khi chuẩn bị cho Triển lãm Mỹ thuật khu vực lần này, anh vẫn dành một ngày để đến Mỹ Sơn, mà theo anh là “để ngấm hơn thì mới sáng tác được”. Đến lúc này, Ngô Văn Phúc đã hoàn thiện tác phẩm và chờ gửi đi tham dự.
Trong khi đó, cuối tuần trước, Chi hội Âm nhạc tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tập trung trong hai ngày tại Nam Trà My. Đây là chuyến đi chuyên đề dành cho những người đã có sẵn dự kiến đề tài sáng tác nên số người tham gia không nhiều - gần 10 người. Ngay trong chuyến đi, một số người đã sáng tác được tác phẩm mới hoặc hoàn chỉnh được tác phẩm viết dang dở trước đó.
Như nhạc sĩ Hồ Xuân Hương đã viết được phần mở đầu cho một ca khúc ngay khi chuyến đi chưa kết thúc. Những dòng nhạc còn ở dạng phác thảo này đã được anh trình bày để đồng nghiệp và đồng bào tại một bản làng ở Nam Trà My “nghe thử”, góp ý.
Hay như nhạc sĩ Huỳnh Đức Long, ca khúc “Xuân về trên đỉnh Ngọc Linh” được anh “khai nốt” từ nửa năm trước, nhưng phải đợi cho đến khi chuyến đi này kết thúc thì mới nên hình hài với giai điệu tươi vui: “...Dốc cao đường xa những áng mây nở trắng trời theo nhịp chiêng gọi ta về. Đêm Tắc Ngo trống vang rền, trong bóng đêm lửa bập bùng, đây Trà Linh gọi ta về...”.
Cần những tính toán dài hơi
Có chủ đề, chủ điểm rõ ràng và được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nên hầu hết chuyến đi thực tế sáng tác của văn nghệ sĩ Quảng Nam gần đây luôn thu được kết quả tích cực. Một số chi hội như Văn học, Nhiếp ảnh, tỷ lệ hội viên có tác phẩm mới sau khi đi thực tế lên đến 100%.
Nhiều tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh được sáng tác từ các chuyến đi thực tế sau đó đã đoạt được giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm các cấp... Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, việc đi thực tế như lâu nay thường chủ yếu phục vụ cho những mục tiêu sáng tác mang tính trước mắt, ngắn hạn nào đó.
Tác phẩm được tạo ra, do vậy cũng thường mang tính nhất thời, nhằm đáp ứng nhu cầu trưng bày, trình diễn hay dự thi ở vài sự kiện văn học, nghệ thuật hay cuộc thi chuyên ngành. Sau khi đạt được các mục tiêu ngắn hạn này, rất ít văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư, khai thác, sáng tác từ vốn liếng đã tích cóp được sau các chuyến đi.
Trong khi đó, một số đề tài, lĩnh vực lớn, cần được khai thác nhiều hơn, sâu hơn như lịch sử chiến tranh cách mạng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa - con người mới, phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa... vẫn chưa thật sự hoặc chưa thường xuyên được xem là mục tiêu, chủ điểm cho các chuyến đi thực tế.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, việc các chi hội trực thuộc tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại các địa phương trong tỉnh là việc làm đáng khích lệ, thể hiện sự gắn kết với quê hương, đất nước, làm cho văn nghệ mang hơi thở cuộc sống.
Tuy nhiên, việc tổ chức đi thực tế sáng tác cần phải có kế hoạch, tính toán dài hơi hơn, nhất là đối với các đề tài lớn, các đề tài ưu tiên. Tại hội nghị Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh vừa diễn ra hồi giữa tháng 6 vừa rồi, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận và được xác quyết rằng đây là một lựa chọn ưu tiên trong hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ đất Quảng thời gian tới.