Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp xuân về, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Nam Trà My lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Sau mỗi dịp như thế, Nam Trà My có thêm những mầm xanh mới...
Người người trồng cây
Cứ vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau Tết Nguyên đán, đoàn viên thanh niên trên địa bàn Nam Trà My lại tập trung về các khu di tích, rừng cây, vườn đồi, rừng hoang, nghĩa trang,… để trồng cây đầu năm. Mỗi năm, các bạn trẻ trồng một loại cây mới, vừa để giữ đất, giữ rừng, vừa để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Tết trồng cây năm 2020 tuổi trẻ Nam Trà My chọn trồng cây sao đen, còn năm Tân Sửu này các bạn chọn giổi xanh làm giống cây trồng chính, cùng với các loại cây ăn quả như mít, bưởi, cam, sầu riêng, xoài…
Truyền thống trồng cây trên nương rẫy và tại các khu di tích, nhà tưởng niệm mỗi dịp tết đến xuân về có từ lâu, nhưng phát triển mạnh từ khi Ban Thường vụ Huyện đoàn phát động và trực tiếp trồng cây với bà con. Ban đầu Huyện đoàn phát động trồng cây trong vườn nhà, vườn đồi, khu sinh hoạt chung của cộng đồng, dọc đường làng, khu di tích, nhà tưởng niệm, nhà văn hóa…; sau đó vận động trồng ở vùng gò đồi hoang hóa để sớm mang lại màu xanh bao phủ.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My thông tin: “Năm 2021, nghị quyết về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Ban Chấp hành Huyện đoàn giao chỉ tiêu cho mỗi cơ sở đoàn trồng mới ít nhất 200 cây xanh ở các khoảnh trống trong rừng tự nhiên, bổ sung vào các vườn rừng, các khu đất trống, đồi núi trọc,… nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống. Song, từ đầu năm đến nay đã có hơn 5.000 cây xanh các loại được đoàn viên thanh niên huyện trồng mới tại các địa phương”.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Trần Duy Dũng cho biết, bên cạnh giữ rừng tự nhiên, việc trồng rừng cũng quan trọng không kém khi góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giúp điều hòa không khí, hạn chế thiên tai, sạt lở,... Sau đợt sạt lở núi xảy ra liên tiếp vào cuối năm 2020, lãnh đạo huyện càng quyết liệt hơn trong chỉ đạo trồng cây gây rừng.
“Những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn được chúng tôi định hướng cho Huyện đoàn và các cơ sở đoàn, địa phương chọn trồng. Theo đó, phát động trồng cây đầu xuân được duy trì đều đặn hằng năm như một nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của địa phương” - ông Dũng nói.
Mùa xuân trên những cánh rừng
Hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, những ngày đầu xuân, tuổi trẻ Nam Trà My ngược lên “làng hạnh phúc” Cheng Tong, thôn 1, xã Trà Cang để cùng với người dân trồng rừng.
Chị Trương Thị Luôn - Bí thư Chi bộ thôn 1 hồ hởi chia sẻ: “Xuân đến, những rừng cây đâm chồi nảy lộc, đất trời bình yên như được khoác lên mình tấm áo đầy sức sống. Cheng Tong hôm nay, người dân nô nức trồng rừng cùng với thanh niên. Rồi mai đây, ngoài rừng tự nhiên trải dài, Cheng Tong sẽ bạt ngàn màu xanh của rừng trồng các loại cây giổi xanh, sao đen,... Dưới những tán rừng, bao mầm xanh mới đang được các bạn trẻ và người dân chăm sóc, bởi rừng ngoài việc giúp họ có thu nhập ổn định, còn cân bằng môi trường sinh thái trong lành. Ai ai cũng thấy vui, cũng muốn trồng thêm thật nhiều cây xanh”.
Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt dưới cái nắng đầu xuân, anh Hồ Văn Đép - Bí thư Xã đoàn Trà Cang tươi cười nói: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện đoàn, đoàn thanh niên xã đã huy động hơn 20 đoàn viên hưởng ứng cùng người dân Cheng Tong tham gia chương trình “Tết trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đã có hơn 2.000 cây giổi xanh được trồng mới. Thanh niên và người dân Cheng Tong sẽ chăm sóc để đây trở thành mô hình vườn cây cộng đồng mẫu, từ đó nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn”.
Năm 2021 này, ngoài lập kế hoạch trồng 1.500 ha rừng, để tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, UBND huyện Nam Trà My đã kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, chú trọng vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ trong trồng và giữ rừng, qua đó tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia và nhận thức rõ rằng: Sự phát triển của phong trào trồng cây, trồng rừng không những đem lại lợi ích về môi sinh, môi trường, hạn chế thiên tai, lũ lụt mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập bền vững, giúp người dân sống tốt hơn nữa với nghề rừng.
Trong những ngày đất trời, con người vẫn đang trong hương sắc mùa xuân, được thấy màu xanh tuổi trẻ hòa quyện cùng màu xanh của cây rừng trải dài trên những triền đồi càng hiểu được ý nghĩa to lớn của việc trồng cây gây rừng. Tuy mỗi địa phương, đơn vị có những cách làm khác nhau, song tất cả đều góp phần làm cho mùa xuân thêm xanh.