Hồi đó sách giáo khoa không thay đổi nhiều như bây giờ. Anh học xong để dành lại cho em. Nó là anh đầu của một gia đình có tám anh em. Nó giữ sách như một gia tài. Khi có lụt về ở triền sông, việc đầu tiên là nó đem tất cả sách vở bỏ vào bao, buộc lại rồi treo lên xà nhà. Khi cơn lụt rút ra, nó lại nới dây buộc đưa bao sách trở xuống, đặt lại vào kệ sách. Có những lúc lụt dâng cao quá, nó mang bao sách bỏ xuống ghe, cùng cả nhà bơi đến trú tạm ở những nhà cao hơn. Phải chăng, vì thấy nó mê sách, muốn nó có thói quen đọc sách hay vì chẳng có tiền nhiều để mua các thứ khác, ba nó thường cho nó sách, phần lớn là sách cũ mà ông tìm được.Khi nó vào lớp năm, một hôm đến giờ văn cô giáo ra đề “Lời tâm sự của một cuốn sách cũ”. Nó mang tất cả kỷ niệm, hình ảnh, cảm xúc chân thành của nó đối với những quyển sách cũ, gắn liền với quê nhà và hoàn cảnh của nó như máu thịt. Sách theo nó đi ra đồng, ngồi trên lưng bò, xuống dưới hầm sâu hay những đêm yên ắng cùng với ngọn đèn tù mù, lúc theo ghe trôi trên dòng nước khi lụt về…
Ngày hội đến trường. Ảnh: TƯỜNG VY |
Đến giờ văn, cô giáo trả bài cho lớp, bài văn của nó cô giáo giữ lại và đọc cho cả lớp nghe. Cả lớp lặng thinh xúc động. Đó là lần đầu tiên kể từ khi đi học, nó có giờ văn hạnh phúc nhất. Sau khi đọc xong bài văn, cô gọi nó lên bảng, nhưng thật bất ngờ, cô hỏi nhỏ: “Đây không phải bài văn của em, ở tuổi em không thể có cảm xúc như người lớn được, ai làm giúp em bài này?”.
Ai có thể giúp nó? Ba nó đi làm thợ ở xa, má nó phải chạy chợ từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt mới về, phải vất vả lắm mới nuôi nổi lũ con. Vả lại, cả hai người cũng chỉ tự học để biết đọc, biết viết mà thôi. Nó chưa có tuổi thơ theo nghĩa đầy đủ, mới học lớp năm nhưng ở nhà nó đã quán xuyến việc gia đình, dạy cho các em học, chăm sóc vườn tược, lợn, gà… Nó đã trở thành người lớn khi tuổi còn con nít. Nghĩ vậy nên nó òa khóc, không một lời thanh minh.
Bài văn chưa được chấm điểm. Mấy ngày sau, cô giáo bất ngờ đến thăm nhà khi nó đang cặm cụi sắp xếp những quyển sách cũ, với tâm trạng như muốn chia sẻ lại những điều gặp trên lớp với chúng. Hôm sau giờ văn lại đến, cô giáo nói lại với lớp học những cảm nhận khi đến thăm nhà nó, cô cho những điều nó mô tả trong bài văn rất thực, những xúc cảm như vậy là rất chân thành. Rồi cô nói “cố gắng lên, biết đâu sau này em trở thành nhà văn!”.
Má nó kể rằng khi đến ngày thôi nôi, bà nội nó bỏ dưới giường nằm đủ thứ đồ chơi trẻ con, các dụng cụ học tập, dụng cụ thô sơ của một số nghề mộc, nghề nề… Nó bò vào và chọn lấy cây thước. Má nó bảo nó sẽ trở thành thầy giáo. Ba nó bảo nó có năng khiếu về kỹ thuật. Ông bà nó bảo sẽ trở thành thầy thông, thầy ký. Ai có ước vọng gì mà chưa làm được thì gán hết cho nó, nhưng chẳng ai bảo nó trở thành nhà văn, nhà thơ cả.
Hè năm đó, nó thi đỗ vào một trường phổ thông trung học công lập có danh tiếng trên thị xã. Nó chỉ thích các môn khoa học tự nhiên. Những năm tháng là sinh viên, nó vẫn tìm đến những chỗ bán sách cũ, mua thì ít mà đọc thì nhiều. Các chủ sách ban đầu cảm thấy khó chịu với một khách hàng “ma ám” như nó, nhưng lâu dần cũng thấy thông cảm, có người còn thuộc tính, thuộc nết, biết nó cần loại sách nào, nên để dành cho nó.
Nó đã lập thân, lập nghiệp bằng các nghề khác nhau, ngoại trừ nghề văn. Thế mà, khi đã bước vào cái tuổi thành đạt của một đời người, nó lại khởi nghiệp cầm bút…
HUỲNH VIẾT TƯ