Vùng tự do Tam Kỳ, Quảng Nam thời đánh Pháp có 3 trường cấp II gồm trường Tam Kỳ 1 (Phú Hưng, Núi Thành), Tam Kỳ 2 (Khánh Thọ, Tam Thái) và trường Phan Châu Trinh (Cẩm Khê, Tam Phước). Ba ngôi trường ấy nằm ở xa vùng dân cư Tam Thanh, con em trong vùng muốn học phải băng đồng, lội cát... đi bộ hàng chục cây số mới có thể đến trường, nên phần lớn đều chỉ học hết cấp I (tiểu học) là nghỉ. Để học sinh được tiếp tục đến trường, nâng cao kiến thức, với tư duy dám nghĩ, dám làm và thực hiện chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng ủy và Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Tam Thanh cùng một số thầy giáo và trí thức trong xã quyết tâm mở trường cấp II Tam Thanh ngay tại địa bàn xã. Trường được thành lập, thuộc hệ thống Ty Giáo dục Quảng Nam, không chỉ có con em tại chỗ đến học mà còn thu dung cả con em vùng lân cận như Bình Nam (Thăng Bình), Tam Tiến (Núi Thành) và con em tản cư từ vùng bị chiếm (Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên).
Họp mặt cựu học sinh trường Cấp II Tam Thanh vào năm 2000. Ảnh tư liệu |
Trường nằm ở thôn Ngọc Mỹ (thuộc xã Tam Phú bây giờ), có hai phân hiệu, một ở cuối làng và trường chính gồm 3 căn nằm giữa làng. Học phí của học sinh dành cho thầy là mấy ký gạo mỗi tháng vừa đủ ăn để có thể duy trì việc dạy. Hiệu trưởng lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Cẩn, cùng với 9 thầy cô khác có trình độ văn bằng diplome thời Pháp, hoặc tốt nghiệp trường Trần Dư hay trường Lê Khiết. Chương trình cấp II thời đó chỉ 3 năm: lớp 5, lớp 6 và lớp 7. Trường Tam Thanh chỉ dạy đến lớp 5 và 6. Xong lớp 6 nếu học sinh nào đủ điều kiện thì học tiếp lớp 7 ở trường cấp II Tam Thái hoặc Cẩm Khê. Giấy học là giấy tự túc màu vàng, bút lá tre chấm mực tím, mấy câu thơ của Trần Minh Thưởng, một cựu học sinh kể: “Nhớ thời đi học khổ thân thay/Áo cánh quần thô giống chú cày/Bút cán lầy nhầy trên giấy tự/Mực bình be bét, dính đầy tay…”.
Để tránh máy bay Pháp oanh tạc, học sinh phải đi học thật sớm từ khi trời chưa sáng, có khi phải cầm theo đèn dầu. Tuy gian khổ nhưng tinh thần học tập rất hăng say, chăm chỉ. Hiệu đoàn trưởng là người đứng đầu đại diện cho học sinh toàn trường, tổ chức sinh hoạt trong học sinh và quan hệ tiếp nhận những ý kiến của hiệu trưởng và thầy giáo.
Trường bắt đầu dạy từ 1951, tinh thần học tập rất cao. Đến tháng 7.1954, Hiệp định Genève được ký kết, Ty Giáo dục Quảng Nam chủ trương cho học sinh cấp II trở lên được đi tập kết. Anh chị em rất phấn khởi chuẩn bị hành lý chờ ngày vào Bình Định xuống tàu ra miền Bắc tiếp tục học hành. Nhưng rồi bị đình lại vì tàu không còn chỗ, mọi người vô cùng tiếc nuối. Trong số những học sinh trường Tam Thanh chỉ có vài học sinh được ra miền Bắc theo tiêu chuẩn riêng, tiếp tục học tập thành tài như anh Nguyễn Tấn Trịnh, thành tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Thủy sản nhiều khóa; anh Lê Ngọc Lân học đại học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, sau 1975 là Phó Giám đốc Sở Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng; anh Phạm Huy Ân là bác sĩ; Nguyễn Thành Minh (con của cụ Nguyễn Thành Hãn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ 1936 - 1939) đi học Liên Xô, xong trở về xin vào miền Nam chiến đấu. Những học sinh không được đi tập kết vẫn tiếp tục học ở trường. Tháng 10.1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản, buộc phải đóng cửa trường. Gần 300 học sinh ngậm ngùi từ giã mái trường, ai cũng mong sớm hết thời hạn 2 năm đến ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, nhưng Ngô Đình Diệm không chịu hiệp thương tổng tuyển cử! Trong bốn thầy dạy học đi tập kết, hai thầy ở lại hoạt động cách mạng đã hy sinh anh dũng. Chín thầy cô của trường, chỉ còn cô Tạ Thị Xuân đang định cư ở Mỹ và thầy giáo Nguyễn Mễ ở Hà Nội. Thầy Nguyễn Mễ quê xã Tam Phú là giáo sư tiến sĩ Y khoa dạy Đại học Y và công tác ở bệnh viện Việt Đức, nay đã nghỉ hưu.
Chiến tranh chống Mỹ cứu nước bùng lên, lớp trẻ trường Cấp II Tam Thanh đã trưởng thành, tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận miền Nam. Chiến tranh chấm dứt, rất nhiều cựu học sinh ra đi từ mái trường Cấp II Tam Thanh thành liệt sĩ, nhiều người thương binh… Cuộc họp mặt năm 2013 chỉ còn mấy chục người!
Nhớ về những mái tóc bạc ngồi bàn việc duy trì ngọn lửa học tập của trường Tam Thanh thuở ấy, họ đã học tập hăng say trong kháng chiến chống Pháp trăm bề gian khổ, sẵn sàng hiến thân khi Tổ quốc cần. Bây giờ đều ở tuổi đã thất tuần, bát tuần không còn sức lực để giữ cho ngọn lửa hồng tiếp tục tỏa sáng nên đã bàn cách chuyển giao cho thế hệ con cháu của chính họ đảm đương. Mới đây, một hội đồng quản lý quỹ học bổng với tên gọi “Quỹ khuyến học cựu học sinh cấp II Tam Thanh 1951 - 1954” được thành lập. Thầy Mễ, hai người con của hai cựu học sinh tham gia điều hành quỹ. Ngay trong ngày thành lập, đã vận động hơn chục triệu đồng, số tiền dùng để cấp học bổng cho học sinh giỏi ở 4 trường trung học cơ sở trong xã Tam Thanh cũ. Với cách đó, những cựu học sinh trường Cấp II Tam Thanh 1951 - 1954 đã khơi lại “ngọn lửa học” ngày nào cháy mãi, như 60 năm trước…
ĐỖ HÙNG LUÂN