Nhiều loại nông sản rớt giá khi đến kỳ thu hoạch nên thay vì bán hết cho thương lái với giá rẻ, nhiều nông dân trong tỉnh chọn cách mang nông sản ra bán ven đường với hy vọng sẽ được giá hơn. Câu chuyện về sự tảo tần lại được viết tiếp với bao cảm thương, lo nghĩ...
Ven đường, đoạn từ cánh đồng thôn Bàu Tròn đến cầu Quảng Huế (xã Đại An, Đại Lộc), nhiều năm qua đã trở thành “chợ” nông sản của bà con vùng chuyên canh rau Bàu Tròn. Vụ bắp vừa qua, khi bán tại ruộng cho thương lái chỉ với giá 500 - 700 nghìn đồng/sào, hoặc chưa tới 10 nghìn đồng/chục (12 trái), nhiều người dân thôn Bàu Tròn đem bắp ra bày bán ven đường với giá 15 - 20 nghìn đồng/chục. Và những ngày này, khi bắp đang ở cuối vụ, giá cũng đã nhích lên khoảng 25 nghìn đồng/chục nên số người mang bắp ra đường ngồi bán lẻ càng đông hơn. Và không chỉ có bắp, nhiều người còn mang bán đậu nành, đậu cô ve, đu đủ...
Bán nông sản tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc). Ảnh: CHÂU NỮ |
Trong khi đó, hơn một tháng trở lại đây, dọc tuyến ĐT610 đoạn qua xã Duy Châu (Duy Xuyên), dưa hấu được người dân bày bán khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Chín (thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu) cho biết, nhà bà trồng chưa tới một sào dưa, nhưng thương lái mua tại ruộng với giá quá rẻ, chỉ 2 nghìn đồng/kg; trong khi nếu đem bán lẻ dọc đường thì được 3 - 5 nghìn đồng/kg tùy loại. “Tôi ngồi bán từ sáng sớm đến tối mịt; trưa cũng đem cơm theo ăn; mỗi ngày bán được trên dưới 100kg dưa, cực một chút nhưng được giá hơn, bù được phần nào cho chi phí sản xuất, gia đình cũng có thêm đồng ra đồng vào” - bà Chín nói. Tham gia việc “giải cứu” dưa hấu ở khu vực này còn có khá nhiều trẻ em. Vào những ngày nghỉ, nhiều trẻ em thôn Thọ Xuyên theo cha mẹ, anh chị ra đường bán dưa; vừa tranh thủ ôn bài để chuẩn bị thi học kỳ.
Nông dân bán nông sản ven đường. |
Dọc các tuyến đường từ Quế Sơn đi Nông Sơn, người qua lại dễ bắt gặp cảnh người dân bày một vài buồng chuối, quả mít, dứa hay bưởi, mùa nào thức ấy. Điểm đặc biệt của những “quầy hàng” ở đây là thường không có người trông coi, chỉ khi có khách qua đường dừng lại xem hàng, chủ nhân mới xuất hiện. “Vì lượng hàng không nhiều, chủ yếu là cây nhà lá vườn, nhà lại xa chợ, nên người dân bán hàng kiểu này” - một người dân xã Quế Lộc cho biết. Phương thức bán hàng như thế này còn có thể bắt gặp ở các trục đường giao thông qua các xã Tam Lộc (Phú Ninh), Tiên Châu, Tiên Thọ, Tiên Ngọc (Tiên Phước).
Trò chuyện với những người bán nông sản này, phần lớn cho biết việc họ làm là bất đắc dĩ. Nhiều người trong số họ cũng cho biết, những chỗ họ ngồi bán hàng thường có lượng xe cộ qua lại khá lớn nên lúc nào cũng canh cánh nỗi lo tai nạn giao thông... Tuy nhiên, vì muốn gây chú ý cho người qua đường và muốn bán được nhiều hàng nên một số người cố tình bày hàng ra sát lòng đường. Chỉ khi lực lượng chức năng xuất hiện nhắc nhở, họ mới chịu lùi vào, xong đâu đấy lại lấn ra.
CHÂU NỮ