Gọi chợ Vườn Lài và chợ Thương mại ở TP.Tam Kỳ là “chợ sinh viên” vì phần lớn sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố mua sắm tại 2 chợ này do giá cả các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thời trang... bán tại đây khá mềm, phù hợp với túi tiền của họ.
Các sạp hàng quanh chợ Thương mại Tam Kỳ mở bán cả ngày nhưng thường đến chiều, sau khi sinh viên tan trường, mới trở nên đông đúc và nhộn nhịp đến tối. Lúc này, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam và Trường Đại học Quảng Nam bắt đầu dạo chợ mua sắm. Trên vỉa các tuyến đường bao quanh chợ, nhiều mặt hàng tiêu dùng, trang sức, mỹ phẩm và đặc biệt quần áo, giày dép, mũ nón… phù hợp với thời trang của sinh viên được bày bán la liệt và, giá cả cũng rất... sinh viên! Quần jean có loại 50 nghìn đồng/chiếc; kính mát, đồng hồ, dây nịt, túi xách... cũng khá rẻ, nhiều loại chưa tới 100 nghìn đồng. Chỉ cần 40 - 50 nghìn đồng là đã có thể mua được một bộ quần áo hay một chiếc váy ngủ. Giày dép có khi “đại hạ giá” chỉ còn 30 nghìn đồng/đôi. Túi xách thời trang 60 - 70 nghìn đồng/chiếc. Các mặt hàng trang sức đồng giá từ 25 nghìn đồng trở lên bán khá nhiều. Ngoài ra, đồ cặp (đồng hồ, áo cặp...) cũng được nhiều cặp đôi nam nữ sinh viên chọn mua.
Sinh viên mua hàng ở chợ Thương mại TP. Tam Kỳ. Ảnh: CHÂU NỮ |
Huỳnh Kim Loan, quê Đại Lộc, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam cho biết, hầu hết hàng tiêu dùng và áo quần chị đều mua ở chợ Thương mại Tam Kỳ vì giá rẻ, phù hợp túi tiền của sinh viên, mẫu mã lại đẹp. “Chỉ khoảng 100 nghìn đồng là mình đã có thể mua được một chiếc áo khoác; quần short jean cũng có giá 30 - 40 nghìn đồng/chiếc. Trong khi đó, với số tiền này, mình không thể mua được gì ở các cửa hàng thời trang khác” - Kim Loan chia sẻ.
Vào buổi tối, khi các cửa hàng tiêu dùng, thời trang ở chợ Thương mại đóng cửa cũng là lúc một “chợ” khác của sinh viên lại mở ra. Ấy là chợ ẩm thực bán dọc vỉa hè quanh chợ hoặc bán trên xe đẩy. Đa số hàng quán bán đồ ăn vặt phù hợp với tuổi sinh viên như cá viên chiên, ốc hút, trà sữa, bánh kẹp, kem xôi... và khách hàng của các quán này phần lớn cũng là học sinh và sinh viên. |
Hàng giá rẻ thường đi kèm với chất lượng kém vì “tiền nào của nấy”. Tuy nhiên, đa số sinh viên vẫn hài lòng vì với số tiền không nhiều, họ đã có thể mua được những vật dụng phù hợp và hợp thời trang. Và, không chỉ có sinh viên mà người dân, trong đó có cả cán bộ công chức, cũng thích mua sắm tại chợ Thương mại vì không chỉ giá rẻ mà hàng hóa lại đa dạng, phong phú mẫu mã, màu sắc. Chị Nguyễn Thị Thảo, giáo viên ở Phú Ninh, ghé quầy hàng bán trên lề đường Chu Văn An ở chợ Thương mại mua 3 chiếc váy ngủ với giá 35 nghìn đồng/chiếc. Theo chị Thảo, mua hàng ở đây không cần mặc cả vì không thể có nơi nào bán rẻ hơn giá này, hơn nữa, giá còn được niêm yết công khai.
Chị Nguyễn Thị Dung, bán hàng tại chợ Thương mại cho biết, vì khách mua hàng của chị phần lớn là sinh viên nên chị chọn những mặt hàng giá rẻ để dễ bán. Tương tự, theo chị Huỳnh Thị Ly - bán mỹ phẩm ở chợ Vườn Lài, shop của chị chỉ bán số ít hàng cao cấp, còn lại phần lớn là hàng bình dân. Tại cửa hàng của chị Ly, bên cạnh những chiếc kính mát có giá 500 - 700 nghìn đồng đồng, thỏi son 200 - 300 nghìn đồng, phần lớn kính mát có giá 60 - 70 nghìn đồng/chiếc hoặc giá chưa tới 100 nghìn đồng/thỏi son. Chị Ly cho biết: “Chợ này chủ yếu bán cho sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Mà sinh viên rất ít có điều kiện mua hàng cao cấp nên tôi chủ yếu bán hàng giá rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên”.
“Chợ sinh viên” không chỉ là nơi để sinh viên mua hàng còn mà nơi sinh viên bán hàng ngoài giờ học để kiếm thêm thu nhập. Nhiều sinh viên Trường Đại học Quảng Nam, Trường Cao đẳng Y tế thường bán hàng bán thời gian. Thu nhập từ bán hàng trên dưới 1 triệu đồng/tháng, tùy thời gian bán hàng ít hay nhiều. Nhiều shop quanh chợ vừa bán hàng truyền thống, vừa bán hàng online cũng ưu tiên tuyển sinh viên đứng bán shop hàng cho khách vì sự năng động, nhanh nhẹn và cũng giúp họ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, một số sinh viên chia sẻ, có thêm tiền để cải thiện sinh hoạt là một chuyên; điều quan trọng là qua việc bán hàng, họ được sự trải nghiệm, có thêm kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, cũng có sinh viên cho biết, việc bán hàng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian, kết quả học tập.
CHÂU NỮ