Chợ tết lúc nào cũng sầm uất đông đúc, riêng các khu chợ trước các khu, cụm công nghiệp lại đìu hiu vắng vẻ; người bán chống cằm ngồi đợi, người mua còn dè sẻn chi tiêu.
Những ngày sắp tết, trước Cụm công nghiệp Hà Lam - chợ Được (xã Bình Triều, Thăng Bình) nhiều hàng hóa được bày bán với các mặt hàng đa dạng, phong phú từ quần áo, giày dép, đồ trang sức đến các đồ dùng cho phòng ngủ, phòng bếp… Khoảng 15 giờ chiều, người bán đã đến đây dọn hàng sẵn chờ công nhân tan ca. Chị Đoàn Thị Ly Na (xã Bình Tú, Thăng Bình) là một trong những người bán hàng áo quần ở đây cho biết mọi người thường tập trung bán vào những ngày công nhân nhận lương vì những ngày thường chỉ lác đác vài người mua. Bình thường chị chỉ bán ở chợ Ngọc Khô nhưng cận tết công nhân có nhu cầu mua sắm nên chị dọn đến đây để bán. “Năm nay làm ăn buôn bán khó khăn hơn năm ngoái. Giá cả các mặt hàng áo quần không chênh lệch nhiều, thậm chí rẻ hơn so với mọi năm nhưng sức mua lại giảm” - chị Na nói.
Cảnh mua bán trước Cụm công nghiệp Hà Lam - chợ Được. Ảnh: L.A |
Những mặt hàng chủ yếu hướng đến công nhân có thu nhập thấp nên giá cả phải chăng, phù hợp với mức lương của đa số công nhân. Với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền thưởng tết là một tháng lương cơ bản (2,1 triệu đồng), chị Phạm Thị Tuyết (xã Bình Phục, Thăng Bình) - công nhân Công ty May DoMex cho biết chị cũng như đa số công nhân ở đây thường mua quần áo được bày bán trước cổng khu công nghiệp vì vừa thuận tiện mà giá cả rất “mềm”, phù hợp với túi tiền. “Năm nay gia đình sắm sửa đồ đạc chuẩn bị đón tết chu đáo hơn năm ngoái. Trước đây vài ngày tôi có mua vài thứ linh tinh trong nhà, hôm nay mới nhận lương nên tranh thủ mua cho con vài bộ đồ mới còn bánh kẹo tết thì vài hôm nữa có tiền thưởng sẽ mua”.
Ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), chợ tết cho công nhân có phần nhộn nhịp hơn nhưng vẫn thưa thớt người mua. Ngoài khu vực chợ, dọc hai bên đường gần khu công nghiệp có đầy đủ mặt hàng được bày bán: quần áo, giày dép, túi xách, bánh kẹo, hoa tết… Dù ngày tết cận kề nhưng công nhân ở đây vẫn chưa sắm sửa chuẩn bị cho dịp tết. Chị Nguyễn Thị Dũng (TP.Tam Kỳ) - công nhân Công ty Giày Rieker Việt Nam cho biết, với mức thu nhập 3,5 triệu/tháng cộng với khoản tiền thưởng tết một tháng lương cơ bản, chị cũng như các chị em trong công ty dự định khi nào nhận tiền lương và tiền thưởng mới đủ tiền để sắm sửa cho dịp tết. Đối với người bán hàng ở những khu chợ dành cho công nhân lao động, nguồn thu nhập chính thường tập trung vào dịp lễ, tết. Khi công nhân có tiền thưởng, thì hàng hóa mới được bán chạy. Nhưng tết năm này, khung cảnh mua bán ảm đạm khiến người bán cũng buồn theo. Bà Hồ Thị Thu Huyền (huyện Điện Bàn), một người bán quần áo trong chợ trước cổng KCN Điện Nam - Điện Ngọc than phiền về việc buôn bán ế ẩm: “Năm ngoái công nhân nhận tiền lương trước, nhận tiền thưởng sau nên hàng hóa bán chạy hơn. Năm nay, tiền lương và tiền thưởng tết phát cùng một đợt nên công nhân có khả năng lo về quê mà không kịp mua đồ tết. Mà năm nay số lượng người bán hàng nhiều hơn so với năm ngoái nên khách cũng chia cho nhiều người”.
Ngoài những người bán hàng ở chợ quanh năm như chị Huyền thì không ít người tranh thủ dịp tết này đến đây buôn bán. Ông Phạm Quang Ninh (Điện Bàn, Quảng Nam) do có người quen ở TP.Hồ Chí Minh cung cấp dép nên ông mạnh dạn lấy về bán gần một tuần nay. Hàng hóa lấy từ gốc nên giá cả rẻ hơn, được người mua chuộng hơn. Vì thế mà với quầy hàng của mình, mỗi ngày ông Ninh cũng thu về được trung bình 200.000 đồng. Hay như ông Nguyễn Tấn Đức đã quyết định nghỉ làm công nhân ở một công ty may trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc với mức lương 3 triệu đồng/tháng để bán giày, mong có nguồn thu nhập tốt hơn. Là trụ cột trong gia đình, phải lo nhiều khoản tiền sinh hoạt, thêm vào đó, vợ anh lại chuẩn bị sinh nở nên tranh thủ đợt tết này anh tranh thủ làm kiếm thêm thu nhập. Gian hàng giày của anh nằm kề ngã tư đường nên không chỉ thu hút được công nhân mà còn được nhiều khách đi đường chú ý tới. Tuy mức thu nhập mỗi ngày không ổn định (có ngày bán được 10 đôi/ngày, bèo nhất thì bán khoảng 1 - 2 đôi/ngày) nhưng so với làm công nhân thì việc buôn bán này thu nhập khá hơn. “Nếu bán được kha khá thì sẽ sắm sửa tết chu đáo hơn, còn không thì cũng bánh kẹo đơn giản làm quà cho gia đình hai bên là được” - ông Đức chia sẻ.
D.LỆ - NG.ANH