Tôi không cho rằng anh Phan Đức Tư (thôn 1, Bình Dương, Thăng Bình) khởi nghiệp suôn sẻ từ chuyện lập trang trại ở quê mình, bởi câu chuyện đánh vật với cát ở trảng trầm quê anh để hiện thực hóa ý đồ biến nơi này thành khu du lịch sinh thái, choàng gánh nỗi ưu tư khác. Anh đang có công ty xây dựng, lại làm giám đốc, năm 2016 về quê mua lại mấy mẫu cát và cây dại của bà con với giá 600 triệu đồng, quyết làm trang trại, trong tiếng xì xầm của bao người rằng “anh chỉ là người rước nợ”...
Dàn lưới cho trồng rau sạch đang thi công. Ảnh: T.VIỆT |
Mở đường...
Đây là trảng cát. Trầm là tên gọi ở vùng cát, nơi đó có hói nước, nước ít, thấp, còn lại trảng cát kéo dài. Chỗ anh Tư ở, nằm khuất sau nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương. Trong ký ức mẹ anh, thì cứ nghĩ tới là sợ, bởi đây thừa cát, nóng, nhưng thiếu nước. Mùa nắng, cát như cháy, mưa thì ngập binh linh.
Câu chuyện đầu tiên, là đường. “Chạy từ nghĩa trang vô đây, cực nhất là mở đường. Đường nhỏ quá, lại cát là cát, xe lớn không vào được, muốn làm 3km, phải đổ đất thịt lên, mở rộng, may là tôi có xe ủi, xúc, san đường, chứ làm tay thì không bao giờ làm nổi. Mà mở đường đâu phải thẳng tiến mà san ủi, lại đụng đất, mồ mả bà con, phải đền bù” - anh Tư cho hay. Đường hiện giờ vẫn đang tiếp tục mở. Nhưng, cam go đau đầu nhất, vẫn là nước. Trang trại này, chủ cũ thúc thủ cũng vì… nước không có. Hình dung đi, cát lút tận âm ti, đào hệ thống hào, mương lớn để giữ nước nuôi cá, vịt, tưới cây, dễ không, khi nước ngầm vào mùa hè và mùa mưa chênh nhau 1,5m? Nếu không xử được, mùa hè không nước đã đành, vì nó rút hết, mưa thì ngập te tua, cây con nào sống nổi? Hơn 500m hào, mương đã thành hình, là cuộc vật lộn gian khổ của những người làm trang trại này. Bây giờ cỏ đã phủ lên thành hồ sạt tụt không cho nữa. Rồi kéo điện về…
Phần thô đã xong. Như đã nói, tôi không nghĩ là anh định khởi nghiệp trang trại để làm giàu, bởi anh có vốn lớn từ công ty xây dựng đang làm ăn được. Nhưng anh muốn cát nơi này thành “cát xanh”. Từ 6,8ha ban đầu, anh khai hoang thêm, nay đã gần 10ha. Vậy làm gì? “Trước tiên, tôi nghĩ trồng dừa thơm 1.000 cây, trồng cây ăn quả - anh nói - tôi đã định hết rồi, sẽ chia làm khu, gồm 3 khu ăn quả (giống từ miền Nam, miền Bắc), một khu rau sạch, làm cây lâu năm và nhà nghỉ. Hiện tôi được một công ty tại tỉnh Bình Dương hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để làm nhà lưới sản xuất rau, dưa lưới”. Nước dưới hồ đã trữ, vấn đề là tưới thế nào? Ở đây, công nghệ đã áp đảo thủ công. Anh cho tưới bằng hệ thống nhỏ giọt và khung bết.
Anh Phan Đức Tư và vườn măng tây đã hai năm tuổi. |
Cát đã đổi màu
Đừng nghĩ rằng mọi thứ mới khởi động, dù kế hoạch đặt ra là 5 năm. “Rau, sắn, bắp, khoai, hai năm qua tôi đã thu hoạch mấy vụ rồi; nuôi mấy chục con heo rừng, bò, vịt trời, vịt biển, kỳ nhông, mấy ngàn con gà, vì thế chuyện ăn, trả lương cho công nhân, tôi không lo, khi các nhà hàng khách sạn đều đặt mua thực phẩm ở đây, bán rất chạy. Cái tôi cần là bây giờ quyết tâm làm lớn - anh không giấu giếm tham vọng - toàn bộ khu trồng rau bắp, tôi sẽ chuyển qua trồng na thái, cam, bưởi, thanh long”. “Anh có sợ “bể” không?, khi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của mình khác với miền Bắc, miền Nam?”. “Không, tôi nghiên cứu và được hỗ trợ kỹ thuật rồi. Chứng minh rõ nhất, là vườn măng tây, tôi ra tới Viện Sinh thái - cây trồng ở Hà Nội đặt mua giống, 16 nghìn/cây, tôi mua và vận chuyển hết 400 triệu đồng. Hai năm qua, cây lên xanh tốt, đã cho ra hạt, có hạt thì không lo nữa, vì đó là nguồn giống. Măng tây này rất ngon”. “Vậy là, vấn đề là phải chọn chính xác cây trồng, vật nuôi phù hợp?”. “Đúng, nếu mình xác định đúng, đi kèm đủ điều kiện hỗ trợ, nhất định sẽ làm được. Tôi ví dụ, khu măng tây mấy sào, sợ nhất là côn trùng cắn lá. Tôi đi dự hội chợ công nghệ nông nghiệp, thấy họ giới thiệu trụ đèn tia cực tím vận hành từ điện mặt trời, giá rẻ lắm, trong phạm vi 1ha, chỉ cần cùng hai cái, ban ngày nó hấp thụ năng lượng, ban đêm phát sáng, côn trùng bị diệt hết, mình đỡ được hai chuyện, là phun thuốc trừ sâu vốn quá kỵ với chuyện nông nghiệp sạch, hai là không tốn công lo lắng bị nó gây hại bất kỳ lúc nào”. “Nhưng anh sẽ không “một mình một sân?”. “Tôi sẽ kéo bà con địa phương vào cuộc, sẽ phân ra từng lô đất, tôi chịu hết, từ hệ thống tưới, giống, phân, bà con chỉ bỏ công, sau khi trừ hết tiền phí kia, tôi và bà con sẽ ăn chia 50:50. Tôi tin bà con sẽ không thiệt thòi. Chỉ riêng khoản phân cho rau, là không lo, ở đây tôi có phân trùn quế, còn bèo, rong trên sông là vô tư”.
Cát đã bắt đầu… xanh ở trảng trầm. Nhưng anh nói, phải 5 năm nữa thì mọi chuyện mới thành hình cụ thể. Tính tới thời điểm này, anh đã bỏ vào đây 6 tỷ đồng. “Vì sao anh quay về quê… đánh lộn với cát ?”. “Tôi muốn chứng minh rằng, đất quê tôi hoàn toàn làm ăn được chứ không phải chịu cảnh nắng cháy rồi dầm dề”. Lời giải đã có, vấn đề là chờ đáp số, hy vọng trầm sẽ hiện lõi, khối trên đất trảng trầm của người đàn ông vừa qua tuổi 40 này.
TRUNG VIỆT