(QNO) - Chợ tự phát trước cổng Trường THCS Trần Quý Cáp (gọi tắt là Trường Trần Quý Cáp, xã Tam Hải, Núi Thành) không chỉ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh và cảnh quan sư phạm của ngôi trường này.
Chợ tự phát trước cổng Trường Trần Quý Cáp. Ảnh: P.NAM |
Bất cập
Trường Trần Quý Cáp nằm trên tuyến đường nối xã Tam Hải với các xã lân cận như Tam Tiến, Tam Quang (Núi Thành), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) và nằm ngay ngã ba cửa ngõ xuống khu du lịch ghềnh đá Bàn Than (Tam Hải). Thời gian xã chưa xây dựng chợ, các tiểu thương đặt sạp hàng tạm trước hiên nhà hoặc ven vệ đường để buôn bán. Trong đó, khu vực trước cổng Trường Trần Quý Cáp là nơi nhộn nhịp nhất, vì tập trung đông dân cư và có nhiều người qua lại. Tại đây, có đủ mặt hàng thiết yếu như cá, thịt, mắm, muối đến áo quần, vật dụng gia đình...
Nhiều năm trôi qua, người dân địa phương mặc nhiên công nhận chợ tự phát này là chợ trung tâm của xã, dù nó nằm ngay trước cổng trường học. Cũng vì nằm ngay trước cổng trường học nên chợ tự phát thường xuyên gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự trong khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Trường Trần Quý Cáp.
Chợ Tam Hải vắng hoe vào buổi chiều. Ảnh: P.NAM |
Năm 2007, địa phương đầu tư xây chợ Tam Hải để các tiểu thương vào đây buôn bán, trả lại vỉa hè, lòng đường trước cổng trường. Chợ Tam Hải nằm cách chợ tự phát khoảng 500m, nằm bên bến sông, nơi tàu thuyền thường cập bờ để đưa cá vào chợ bán. Ông Lê Công Hồng - nhân viên Ban quản lý chợ Tam Hải cho biết, 6 tháng đầu, chợ hoạt động cả 2 buổi trong ngày. Sau đó, chợ chỉ hoạt động buổi sáng; còn các buổi chiều, tiểu thương quay về trước cổng Trường Trần Quý Cáp để buôn bán. Đặc biệt, vào dịp cận tết, chợ tự phát hoạt động suốt cả ngày, chợ Tam Hải thì vắng hoe.
Bà Trần Thị Lộc - một tiểu thương tại chợ tự phát cho biết, bà bán ở trước cổng trường vì có nhiều khách mua. Biết việc mình làm không đúng nhưng vì mưu sinh, vì có nhiều người cũng bán hàng tại đây nên bà vẫn duy trì công việc của mình.
Học sinh phải dọn rác chợ
Cô giáo Nguyễn Thị Dự - Phó Hiệu trưởng Trường Trần Quý Cáp bức xúc cho biết, chợ tự phát gây ảnh hưởng đến nhà trường hàng chục năm nay, nhất là vệ sinh môi trường và cảnh quan sư phạm. Chợ hoạt động ngay trước cổng, lấn chiếm lối đi vào trường của giáo viên và học sinh. Có nhiều thời điểm như dịp cận tết, chợ rất nhộn nhịp, tiểu thương treo cả hàng hóa lên cánh cổng trường, gây mất mỹ quan. Nghiêm trọng hơn, sau khi tan chợ, khu vực trước cổng trường như một bãi rác.
Theo cô Dự, bên cạnh các biện pháp của chính quyền, nhà trường cũng tìm mọi cách để "đuổi khéo" tiểu thương nhưng vẫn không hiệu quả. Trường tỉa gọn, chặt hạ cây xanh để không còn bóng mát thì tiểu thương căng dù; trường giăng lưới thép rào phần vỉa hè bên ngoài cổng thì tiểu thương bày hàng lên lòng đường để bán, gây ách tắc giao thông. Cứ mỗi lần cấp trên về kiểm tra, đặc biệt là đợt thẩm định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cuối năm 2017, nhà trường gần như phải "năn nỉ" các tiểu thương không họp chợ vào ngày đoàn công tác đến làm việc.
Hàng tuần, học sinh phải dọn rác do chợ tự phát để lại. Ảnh: P.NAM |
Cô Dự còn cho biết, để giải quyết hậu quả của các buổi chợ, trường phải tổ chức cho học sinh luân phiên tổng vệ sinh trước cổng trường mỗi tuần một lần. Cũng chính vì điều này, nhiều phụ huynh học sinh vốn đã bức xúc vì chợ lấn trường lại càng thêm xót ruột vì con em họ bất đắc dĩ phải đi dọn rác chợ.
Nói về khu chợ tự phát, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, bên cạnh tích cực tuyên truyền, vận động, địa phương còn dùng cả biện pháp mạnh như đẩy đuổi, xử phạt hành chính và tiêu hủy hàng hóa bày bán lấn chiếm lòng đường nhưng vẫn không dẹp được chợ tự phát. Các tiểu thương còn nghĩ ra kế bán hàng trên xe đẩy để khi có lực lượng chức năng kiểm tra là... đẩy xe đi.
Được biết, xã Tam Hải cũng đã từng vận động, rồi cấm cán bộ, công chức, viên chức, kể cả giáo viên của Trường Trần Quý Cáp mua hàng ở chợ tự phát. Nhưng khổ nỗi, ở chợ Tam Hải không có người bán nên họ đành nhờ người thân đến chợ tự phát mua mới có cái ăn. Và việc "nhờ đi chợ" cũng không thể tồn tại được lâu. Theo ông Hùng, trở ngại lớn nhất trong việc dẹp khu chợ tự phát chính là ý thức của người dân, đặc biệt là của tiểu thương. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Công an huyện tổ chức ra quân dọn dẹp, kiên quyết không để tồn tại chợ tự phát này.
PHƯƠNG NAM