Cuối tuần này, vòng loại U23 châu Á năm 2020 sẽ khởi tranh. Sẽ rất khác so với các lần trước đây khi bóng đá trẻ cấp độ U23 trở xuống ít được quan tâm, lần này, mọi ánh mắt người hâm mộ Việt Nam đều hướng về các cầu thủ trẻ của HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo để xem màn trình diễn của họ. Điều đó cũng dễ hiểu khi đội tuyển U23 Việt Nam đang là nhà đương kim á quân châu Á sau một mùa giải thần kỳ và đáng nhớ tại Trung Quốc hồi đầu năm 2018.
Người hâm mộ đang chờ sự tỏa sáng của thủ môn Bùi Tiến Dũng như ở vòng chung kết U23 châu Á năm 2018. Ảnh: A.N |
Vòng loại U23 châu Á có 44 đội được chia làm 11 bảng đấu. Để giành quyền vào chơi vòng chung kết, 11 đội nhất mỗi bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ đến Thái Lan vào năm 2020. Với chỉ hơn 1 suất cho mỗi bảng, có thể nói cuộc cạnh tranh để sở hữu tấm vé dự vòng chung kết là rất quyết liệt. Trong số các đội bóng khu vực Đông Nam Á, U23 Việt Nam ở bảng đấu tương đối thuận lợi hơn khi cùng bảng với 3 đội bóng quen mặt là Thái Lan, Indonesia và Brunei. Trong khi đó, Myanmar phải cạnh tranh với Nhật Bản, Malaysia đối đầu với Trung Quốc còn Singgapore cạnh tranh với Bắc Triều Tiên.
Với tư cách đương kim á quân châu Á và được chơi trên sân nhà, nhận sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, khả năng giành vé chính thức của U23 Việt Nam được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng cho thầy trò HLV Park Hang Seo bởi dù đối thủ không phải đến từ các nền bóng đá mạnh của châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không hẳn là yếu. U23 Thái Lan là chủ nhà của vòng chung kết, bất kể kết quả thế nào ở vòng loại thì họ vẫn góp mặt. Do đó, tâm lý thỏa mái sẽ giúp đội bóng xứ sở chùa Vàng thi đấu tự tin và đây là nỗi lo đối với bất cứ đối thủ nào. Còn với U23 Indonesia, đây lại là đội bóng vừa lên ngôi vô địch U22 Đông Nam Á sau khi vượt qua U22 Việt Nam ở trận bán kết và hạ gục U22 Thái Lan trong trận chung kết. Họ cũng có nhiều cầu thủ thi đấu tại châu Âu nên rõ ràng đây là đối thủ đáng gờm. Tất nhiên, đội U22 Việt Nam thất bại trước U22 Indonesia khác rất nhiều so với U23 Việt Nam, từ lực lượng cầu thủ cho đến băng ghế huấn luyện.
Sau kỳ tích tại vòng chung kết U23 châu Á 2018, vì những lý do khác nhau rất nhiều cầu thủ đã chia tay đội tuyển như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Xuân Trường, Duy Mạnh, Đức Huy, Văn Đức, Xuân Mạnh… Thế nhưng, sức mạnh của đội tuyển U23 không vì thế mà giảm sút nhiều khi vẫn còn đó những cái tên đã tỏa sáng không chỉ ở đội U23 mà cả đội tuyển quốc gia như Văn Hậu, Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh, thủ môn Bùi Tiến Dũng. Cạnh đó, một số gương mặt cũng đã khẳng định tài năng của mình tại V-League cũng như các đội trẻ như Tấn Sinh (Quảng Nam), Việt Hưng, Thanh Hậu (Hoàng Anh Gia Lai), Thanh Bình (Viettel), Thái Quý (Hà Nội)… Với lực lượng này, rõ ràng U23 Việt Nam vẫn đủ sức để chinh phục các mục tiêu mới tại U23 châu Á năm nay mà trước hết là giành quyền tự quyết cho suất đi vòng chung kết.
Bóng đá trẻ Việt Nam đang có thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng. Vừa có được liều thuốc tinh thần khi được chơi trên sân Mỹ Đình, lịch thi đấu của Quang Hải cùng các đồng đội cũng khá thuận lợi khi lần lượt gặp đối thủ từ yếu đến mạnh (gặp Brunei rồi mới đến Indonesia và Thái Lan). Đó là những cơ sở để người hâm mộ tin vào chiến thắng của U23 Việt Nam tại bảng K vòng loại U23 châu Á.
AN NHI