Chọn dự án đầu tư

TRỊNH DŨNG 11/12/2013 12:44

Ngân sách nhà nước năm 2014 chủ yếu dành trả nợ xây dựng cơ bản và đầu tư các dự án, công trình hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Thiếu hụt ngân sách

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII (từ ngày 10 - 12.12), UBND tỉnh công bố tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước kế hoạch 2014 dự kiến hơn 3.662 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 3.506,65 tỷ đồng và vốn nước ngoài 156,27 tỷ đồng. Con số này tăng 2% so với kế hoạch 2013, nhưng đã giảm đến 34% so với thực hiện năm 2013. Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương dự kiến 1.292 tỷ đồng, bằng 117% so với kế hoạch năm 2013 nhưng cũng chỉ bằng 61% so với khả năng thực hiện. Cụ thể, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung 402 tỷ đồng (bằng kế hoạch 2013), nguồn vốn khai thác quỹ đất 550 tỷ đồng (bằng 115% kế hoạch 2013), xổ số kiến thiết 58 tỷ đồng (bằng 145% kế hoạch 2013) và bổ sung từ tăng thu so với năm 2011 để chi cho đầu tư phát triển khoảng 252 tỷ đồng (bằng 136% kế hoạch năm 2013). Nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương dự kiến 852,5 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch năm 2013, nhưng chỉ bằng 84% so với con số đã được thực hiện năm 2013. Thậm chí, đã có hai nguồn vốn bị giảm nhiều so với kế hoạch 2013 là chương trình mục tiêu quốc gia chỉ còn bằng 82% kế hoạch năm 2013 với 335,6 tỷ đồng, trong đó chi cho 7 chương trình đầu tư phát triển chỉ 203,6 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu chính phủ là 1.056 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch 2013, dành riêng cho giao thông (869 tỷ đồng), thủy lợi (142 tỷ đồng) và 45 tỷ đồng cho y tế. Tuy nhiên, số vốn ít ỏi này cũng đã phải dành trả nợ tạm ứng ngân sách đến 625 tỷ đồng.

Cầu Cửa Đại hay các tuyến giao thông, công trình hoàn thành năm 2014 sẽ được tập trung phân bổ nguồn vốn đầu tư. Ảnh: T.D
Cầu Cửa Đại hay các tuyến giao thông, công trình hoàn thành năm 2014 sẽ được tập trung phân bổ nguồn vốn đầu tư. Ảnh: T.D

Nhìn vào con số thống kê trên dễ nhận thấy Quảng Nam đang thật sự thiếu hụt nguồn lực tài chính để đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Theo UBND tỉnh, nhu cầu tối thiểu giai đoạn 2014 - 2015 cần trên 2.000 tỷ đồng từ nguồn bổ sung ngân sách tỉnh để bố trí cho các dự án cấp bách và đối ứng thuộc các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương. Đó là chưa kể đến cầu Cửa Đại còn thiếu 1.700 tỷ đồng, đường cứu hộ cứu nạn ven biển Thăng Bình thiếu 1.000 tỷ đồng và trước mắt cần đến 620 tỷ đồng để có nguồn trả nợ tạm ứng ngân sách và thực hiện các dự án cấp bách khác chưa có nguồn bố trí. Sự thiếu hụt này đã buộc chính quyền và các cơ quan quản lý của tỉnh phải đi đến quyết định dứt khoát là không thể tiếp tục đầu tư dàn trải, manh mún, mà lựa chọn dự án, công trình có khả năng phát huy để được cân nhắc, bố trí nguồn vốn đầu tư.

Dành vốn cho công trình hiệu quả

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho thấy dù tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cao (chiếm đến 33% so với tổng sản phẩn trên địa bàn - GRDP) nhưng chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước. Sự thiếu hụt nguồn vốn đã không thể đáp ứng được tiến độ các công trình lớn như cầu Cửa Đại, Kỳ Phú 1&2, đường cứu hộ, cứu nạn ven biển. Việc kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản chưa chặt chẽ đã dẫn đến phân bổ vốn đầu tư một số dự án chưa đúng quy trình. Một số dự án khởi công khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư, chưa xác định rõ nguồn vốn nên đã xảy ra tình trạng phân bổ vốn dàn trải, kém hiệu quả, gây phát sinh nợ lớn. Một số địa phương còn có số nợ vượt nhiều lần so với khả năng trả nợ. Theo ông Võ Hồng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, với việc nguồn vốn ngân sách phân bổ năm 2014 đã giảm hơn 30% so với thực hiện năm 2013 là điều hết sức khó khăn cho tiến trình đẩy nhanh đầu tư phát triển. Vì vậy, cần phải có kế hoạch rà soát cơ cấu vốn, nhu cầu đầu tư. Hạn chế tối đa việc khởi công các dự án mới khi chưa đủ nguồn vốn, chưa cấp thiết, chưa rõ nguồn hoàn ứng, để tập trung vốn cho các dự án hoàn thành. Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh một số dự án trọng điểm. “Cần rà soát, đánh giá phân cấp đầu tư từng lĩnh vực để điều chỉnh cơ chế phân cấp phù hợp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước” - ông Hồng nói.

Quan điểm của UBND tỉnh là không bố trí tiếp vốn cho các dự án có số dư tạm ứng lớn. Chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới khi thật sự cấp bách, xác định rõ nguồn, khả năng cân đối và phải được có chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, cơ chế 5:3:2 (50% cho thanh toán nợ công trình hoàn thành, 30% cho công trình chuyển tiếp và 20% cho công trình mới) trong bố trí vốn đầu tư đã tiếp tục được thực hiện cho năm 2014. Danh mục đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu tập trung thanh toán nợ và các dự án chuyển tiếp. Chỉ dành khoảng 49,7 tỷ đồng để đầu tư 24 dự án khởi công mới, bao gồm 1 dự án giao thông, 2 hạ tầng công cộng, 5 dự án quản lý nhà nước, 4 dự án công nghiệp, 1 dự án khoa học công nghệ, 2 dự án giáo dục… Nguồn vốn phát sinh từ khai thác quỹ đất (sau khi trích 30% bổ sung vốn quỹ đất) hay 292 tỷ đồng từ nguồn bổ sung từ ngân sách sẽ chỉ dành trả nợ cho chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, hỗ trợ các huyện nghèo, đối ứng các dự án ODA, hỗ trợ chương trình nông thôn mới… và trả nợ tạm ứng ngân sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, trên cơ sở danh mục và kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và năm 2013 đã giao, năm 2014 tiếp tục cân đối theo nguyên tắc là tiếp tục rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để cân đối phù hợp, đồng thời xem xét cắt giảm quy mô đầu tư để không phát sinh nợ. Cấp thẩm quyền đầu tư các dự án được phân cấp sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn dự án đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO